Thí sinh có thêm cách thức dự tuyển đại học năm 2023
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố phương án tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh đại học. Theo đó, từ năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ là một kỳ thi độc lập. Thí sinh cũng có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào các trường đại học khác nếu các trường đó có nhu cầu.
Năm 2023, thí sinh có thể dự tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bằng cách tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 8 môn: Toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường trung học phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh có thể lựa chọn dự thi một số môn và sử dụng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo chính quy.
Năm nay, nhà trường dự kiến tổ chức 1 hoặc 2 đợt thi vào cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm, sau khi học sinh đã học xong chương trình phổ thông và trước khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Thí sinh sẽ thi trực tiếp, làm bài trên giấy (thời gian mỗi môn từ 60-90 phút) tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi ở các cơ sở giáo dục đại học ở miền Trung, miền Nam nếu có nhiều thí sinh đăng ký.
Hiện nay, đã có một số trường đại học quyết định sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển năm 2023 như: Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm Huế...
Xu hướng chung là giữ ổn định
Cho đến thời điểm hiện tại, cả nước có 5 cơ sở giáo dục đại học tự tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM.
Về phía các trường, xu hướng chung là giữ ổn định các phương thức tuyển sinh song có sự điều chỉnh về tỷ lệ trúng tuyển giữa các phương thức. Đơn cử như năm 2022 Đại học Quốc gia Tp.HCM đã tuyển được khoảng 95% tổng chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực tăng lên gần 40%.
Trong khi đó, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết năm 2022, trường dành 10-20% trong gần 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển tài năng, 50-60% cho kết quả thi đánh giá tư duy, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhiều ngành không xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển hai phương thức còn lại. Dự kiến từ các năm tiếp theo, trường sẽ tiếp tục giảm dần chỉ tiêu xét tuyển phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, hiện các trường khối sức khỏe đã họp bàn về phương án tuyển sinh chung sau khi Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu xét tuyển nữa. Dự kiến các trường sẽ tìm công cụ chung và có thể hướng đến một số kỳ thi của các đơn vị đã có kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trước đó.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, từ mùa tuyển sinh đại học 2023, thí sinh có thể dùng điểm của 1 trong 2 bài thi đánh giá năng lực để đăng ký vào Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia Tp.HCM và các trường Đại học xét tuyển từ 2 bài thi này. Sẽ có thang điểm quy đổi 2 bài thi đánh giá năng lực làm cơ sở tham chiếu và sử dụng chung. Điều này cũng góp phần làm giảm số phương thức xét tuyển của các trường do đối chiếu được điểm giữa các thí sinh xét tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực khác nhau.
Tuyển sinh 2023 sẽ loại bỏ phương thức xét tuyển gây nhiễu loạn cho thí sinh
Tại cuộc họp giao ban quý 4 về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm của Bộ GD&ĐT diễn ra vào 30/11. Bộ GD&ĐT cho biết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát những phương thức xét tuyển để loại bỏ phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. Bộ cũng sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Thay vào đó, tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.
Bộ GD&ĐT dự kiến tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp kỹ thuật hỗ trợ tốt hơn cho các trường và thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, cũng cho rằng cần tính toán về mặt kỹ thuật trong lọc ảo xét tuyển với các phương thức tuyển sinh sớm năm 2023. Năm 2022 có nhiều thay đổi tích cực về mặt kỹ thuật xét tuyển nhưng thời gian công bố quá sát. Điều này khiến một số TS chưa tiếp thu đầy đủ dẫn đến đánh mất cơ hội xét tuyển vào các ngành yêu thích. Ông Hải đề nghị: “Năm nay bộ khẳng định quy chế tuyển sinh không thay đổi, phần mềm tuyển sinh cần đồng nhất cơ sở dữ liệu để các trường cập nhật dữ liệu TS trúng tuyển nhanh chóng hơn vì như năm 2022 một số trường chưa đồng bộ”.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng ý kiến: “Năm nay thống kê của bộ có 18 phương thức tuyển sinh nhưng tôi thấy chỉ có 2 phương thức cơ bản là xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ, với tỷ lệ 88,62%. Các phương thức còn lại chỉ chiếm 11,38% và trong đó hầu hết dưới 1%. Nên chăng các trường giới hạn lại phương thức tuyển sinh để TS tránh sai sót trong quá trình đăng ký”.
Trên thực tế, mỗi trường đại học hiện nay đều có ít nhất từ 3 phương thức tuyển sinh trở lên, mỗi ngành lại có những phương thức xét tuyển và chỉ tiêu riêng. Thậm chí, chỉ riêng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ cũng có nhiều lựa chọn khi bên cạnh các chứng chỉ quốc tế đã có thêm chứng chỉ nội được các trường công nhận, đưa vào danh sách xét tuyển. Điều này có thể tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhưng vì quá nhiều nên cũng khiến thí sinh cảm thấy lúng túng trong lựa chọn. Nhất là những học sinh thiếu sự định hướng từ thầy cô, gia đình sẽ phải tự tìm hiểu về các phương thức tuyển sinh cũng như chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để tham gia xét tuyển.
Với kết quả phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT cho thấy có sự chênh lệch đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng các trường cần hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, đảm bảo hiệu quả, tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.
Để kỳ tuyển sinh tiếp theo nhanh gọn và minh bạch, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để điều chỉnh trong năm 2023, khuyến cáo các trường trong việc tổ chức kỳ thi riêng, đề nghị các trường có sự phối hợp để tránh tình trạng có quá nhiều kỳ thi.