Tin mới

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Thí sinh choáng vì “loạn” tuyển sinh

Thứ sáu, 21/02/2014, 15:14 (GMT+7)

Bắt đầu từ năm 2013, theo chủ trương của Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã giao cho một số trường ĐH lớn nghiên cứu phương án tuyển sinh riêng.

Bắt đầu từ năm 2013, theo chủ trương của Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã giao cho một số trường ĐH lớn nghiên cứu phương án tuyển sinh riêng.

Sang năm 2014, được Bộ tiếp tục “bật đèn xanh”, nhiều trường ĐH trong cả nước đã nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh riêng nhằm tăng chất lượng, giảm thí sinh “ảo”.

ĐH Kiến trúc TPHCM đã trình Bộ GD&ĐT phương án thay đổi môn thi với các khối thi mới là V1 và H1. Trong đó, khối V1 thi các môn: Toán - Vẽ mỹ thuật - Ngữ văn; khối H1 gồm: Toán - Vẽ trang trí màu - Ngữ văn. ĐH Quốc gia Hà Nội đã sớm có phương án thêm kỳ thi đánh giá năng lực chung để lựa chọn thí sinh bằng bài thi tích hợp các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên với trọng tâm là Ngữ văn và Toán học bậc học phổ thông (tương tự kỳ thi SAT ở bậc ĐH của Mỹ).

Nhằm giảm lượng thí sinh “ảo”, ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay đã sớm đưa ra hình thức sơ tuyển khá đặc biệt. PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Năm nay, thí sinh dự thi vào trường phải đăng ký sơ tuyển trên hệ thống trên trang mạng của trường.

Trường chọn tất cả thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn đạt từ 21 điểm trở lên, sau đó xét tiếp dưới 21 điểm cho đến khi đủ 12.000 chỉ tiêu của khối A, A1 và 1.000 chỉ tiêu khối D1. Thí sinh nộp lệ phí sơ tuyển bằng cách mua thẻ cào điện thoại cho đủ mức 30.000đồng/khối thi. Chỉ thí sinh đạt vòng sơ tuyển sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi”.

Một số trường ĐH cũng dự kiến phương thức xét tuyển riêng. Cụ thể, ĐH Duy Tân xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập bậc THPT. ĐH Phan Châu Trinh cũng xét tuyển theo tiêu chí riêng của nhà trường, thí sinh có thể thêm vòng thi: phỏng vấn, đơn dự tuyển, nêu ý kiến của mình… Tương tự, ĐH dân lập Hải Phòng, có thêm phương thức xét tuyển theo cặp môn thi. Điểm xét tuyển bằng trung bình cộng của điểm thi và điểm trung bình học tập của cặp môn thi.

Mỗi nơi công bố tuyển sinh một kiểu khiến không ít thí sinh và phụ huynh hoang mang, lo lắng. Chị Lê Thị Thủy có con học lớp 12 Trường THP Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi không khỏi lo lắng cho con sắp sửa thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH. Phương án thi tốt nghiệp THPT còn chưa được chốt, Bộ GD&ĐT lại dừng tuyển sinh rất nhiều ngành đào tạo ĐH, CĐ…
 
Thời gian này, rất nhiều trường công bố tuyển sinh riêng, chưa biết thế nào để mà lựa chọn trường cho con. Mọi năm đăng ký xong là chỉ việc đến thi, năm nay nhiều trường còn phải qua sơ tuyển, rồi còn xét tuyển nữa”.

Nguyễn Duy Hoàng, học sinh lớp 12 Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) lo lắng: “Em thấy nhiều trường đưa ra phương án thi và tuyển sinh riêng như vậy sẽ khiến thí sinh mất thời gian để nghiên cứu. Khi tham gia thi tuyển, xét tuyển cũng rất mất thời gian. Nên có một phương thức chung hoặc theo đặc thù của từng trường mà có phương án tuyển sinh riêng. Chẳng hạn, cả nước có hơn 400 trường ĐH, CĐ mà trường nào cũng tuyển sinh theo cách riêng, để lựa chọn cũng phải mất hàng tháng trời rồi”.

Nhiều băn khoăn đặt ra, liệu kỳ thi năm nay có “loạn” về phương án tuyển sinh? Thí sinh được thêm cơ hội, hay bị “hành” nhiều hơn?... Còn Bộ GD&ĐT cho biết, phương án tuyển sinh riêng của các trường đã thể hiện sự chủ động của các trường. Các trường đưa ra nhiều phương án tuyển sinh, tạo thêm cơ hội cho thí sinh khi "đầu quân" vào các trường, đồng thời không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp, hình thức xét tuyển cũng góp phần hạn chế nạn luyện thi tràn lan.   

Xem thêm về việc dừng tuyển sinh 207 ngành học ĐH-CĐ :

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news