Trước đó - ngày 18.2, giải trình đầu tiên của Sở GDĐT đã được gửi tới các cơ quan lãnh đạo của Bình Định. Báo cáo do Phó Giám đốc sở Đào Đức Tuấn ký, tóm tắt diễn biến sự việc theo cái nhìn từ phía học sinh và giáo viên.

Vụ việc diễn ra sáng 20.1 tại Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Tây Sơn. 3 “nhân vật chính” xuất hiện ở đoạn clip dài 1 phút 7 giây là thầy giáo Trần Anh Tuấn và hai học sinh lớp 11A1 Nguyễn Phúc Nghĩa, Nguyễn Thanh Long.

Không có nhiều khác biệt trong lời kể của thầy Tuấn và học sinh 11A1. Đáng lưu ý, hình ảnh “rò rỉ” trên mạng chỉ là một phần của câu chuyện đòn roi nặng nề mà người giáo viên 23 tuổi này áp dụng trên bục giảng. Một học sinh khác tên là An, từng bị thầy Tuấn “đánh dã man” trước khi căn dặn học trò không được mách cô giáo chủ nhiệm.

vu-thay-tat-tai-tro-len-goi-ho-danh-con-toi-nhu-suc-vat-khong-phai-mot-ma-la-hai-lan

Ông Nguyễn Phúc Nguyên (bên phải), phụ huynh học sinh Nguyễn Phúc Nghĩa

Việc cả lớp đồng loạt nhận trách nhiệm rằng đã thông báo với cô phụ trách lớp là tác nhân làm bùng lên không khí náo động hôm 20.1. 

Tóm lược tường trình phía thầy Tuấn: Sau khi đuổi một nhóm học sinh ra ngoài, Tuấn hỏi “hôm trước đánh vậy không sợ sao mà bây giờ vẫn ồn ào?”.

Cho rằng Nghĩa “nói leo với giọng điệu khiêu khích”, Tuấn gọi lên bảng tát vào mặt, sau đó trả về chỗ ngồi rồi gọi lên đánh tiếp.

Thấy bạn bị đánh đau, Nguyễn Thanh Long lên tiếng phản ứng đã trở thành nạn nhân liền kề. Tuy nhiên, thay vì nhẫn nhục chịu đựng, Long phản đòn bằng một cú lên gối dữ dội.

Phần tường thuật của học sinh có trích câu nói khơi mào trận đòn túi bụi trút lên mặt em Nghĩa như sau: “Em có muốn thử độ dã man của tôi không?”.

vu-thay-tat-tai-tro-len-goi-ho-danh-con-toi-nhu-suc-vat-khong-phai-mot-ma-la-hai-lan
Trường THPT Nguyễn Huệ.

“Phản ứng của chúng tôi là không chậm trễ”

Chiều 19.2, P.V Lao Động đã gặp lãnh đạo trường Nguyễn Huệ, thầy Trần Anh Tuấn và phụ huynh em Nguyễn Phúc Nghĩa. Một cuộc tiếp xúc hoang mang đẫm nước mắt, của cả nhà trường lẫn gia đình học sinh.

Hiệu trưởng Quách Nguyễn Huyền Trân khẳng định như vậy về luồng ý kiến chỉ trích vụ việc bị “ngâm” từ trước tết đến nay: 

“Nhà trường báo cáo về sở ngay trong ngày sự cố đáng tiếc xảy ra. Chúng tôi cũng đã làm việc với thầy Tuấn, với học sinh; đã cử giáo viên chủ nhiệm tới xin lỗi gia đình các em; đã họp hội đồng nhà trường, hội đồng sư phạm; đã phân tích chi ly, thậm chí tranh luận gay gắt với nhau.

Sở dĩ chưa có kết quả cuối cùng là do vướng hơn 10 ngày nghỉ tết. Vả lại, còn phải chờ ý kiến chỉ đạo từ Sở GDĐT. Trong trường hợp này, thầy giáo sai vì nóng nảy, thiếu kinh nghiệm, học sinh cũng không đúng vì bồng bột, cá tính. Cả hai đều đã thấy lỗi lầm của mình, đã “ngồi” lại được với nhau; nền nếp lớp học cũng được tái lập. Nếu không, lâu nay gia đình người ta đâu có để chúng tôi yên?”.

Bà Trân và cả Hiệu phó Vương Trường Quân không né tránh từ “cá biệt” khi nói về học sinh của trường. 

“Nguyễn Huệ là trường bán công mới chuyển sang công lập từ đầu năm học. Các em không có cơ hội vào các trường Võ Lai, Quang Trung, Tây Sơn mới phải nộp đơn xét tuyển vào đây; số đông đều khiếm khuyết về học lực, hạnh kiểm. Một đối tượng đặc thù, gai góc như vậy, giá như gặp các thầy cô trải nghề thì đâu đến nỗi!

Thầy Tuấn trẻ quá, chỉ mới đứng lớp từ tháng 9.2013 cho một hợp đồng có thời hạn đến 31.5.2014. Tôi thực sự đau xót”- bà Trân bật khóc trước khi kết thúc câu chuyện.

Ông Tuấn - theo đề nghị của PV - đã tranh thủ 5 phút giải lao xuống phòng hiệu trưởng. Không còn vẻ hung bạo như những hình ảnh đã thấy, người thầy giáo cân nặng 38kg nhợt nhạt, liêu xiêu bước vào, chỉ kịp lúng búng một câu: “Tôi biết tôi đã sai” rồi loạng choạng, thất thểu đi ra.

Sáng 19.2, Phó Giám đốc Sở GDĐT Bình Định Đào Đức Tuấn đã có cuộc làm việc với Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Huệ. Ông Tuấn yêu cầu lập ngay hội đồng kỷ luật, xử lý rốt ráo trách nhiệm từng cá nhân có liên quan, gửi kết quả về sở để kịp báo cáo lên UBND tỉnh đúng thời hạn.

“Tôi không tài nào ngủ được”

Người đàn ông đen đúa khó nhọc tìm từng lời để diễn đạt những ý tưởng đang sôi sục trong đầu. “Làm cha làm mẹ, hỏi ai không đau xót. Họ đánh con tôi như súc vật, không phải một mà là hai lần” - ông Nguyễn Phúc Nguyên, cha của học sinh Nguyễn Phúc Nghĩa - cũng khóc khi tiếp chuyện chúng tôi.

Ông Nguyên nói, có tất cả 13 cú bạt tai giáng xuống đầu, xuống mặt của Nghĩa: “Đoạn clip mấy anh chị xem là lượt sau, 6 cú. Lượt đầu tiên, tụi nhỏ không kịp ghi hình”. Vị phụ huynh khổ sở cho hay, ông chỉ biết vụ việc qua bạn bè của con, khi Nghĩa vì nhà trường buộc kiểm điểm mà lo sợ đòi nghỉ học.

“Họ giải thích, xin lỗi, tôi nghe thì để đó chứ chưa xong đâu. Thằng nhỏ lỡ dở học hành là tôi kiện á”. Chúng tôi đâm lo trước một diễn biến không hứa hẹn là sẽ hoàn toàn có hậu. Câu chuyện của ông Nguyên kể trải dài qua những đêm trằn trọc mất ăn, mất ngủ; những cung bậc giận dữ, phẫn uất, xót xa rồi nín nhịn.

“Đời mình đã thất học rồi. Đói ăn khát uống cũng bấm bụng cho con theo cái chữ. Tôi cứ nhìn vô đường học hành của thằng con về sau để rồi biết mình phải làm gì” - ông Nguyên dường như muốn qua chúng tôi gửi đi một thông điệp.