Uber đã ra thông báo chính thức xóa sổ ứng dụng và sáp nhập vào Grab kể từ ngày 8/4/ 2018.
Dân Trí cho hay khi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vẫn đang xem xét về pháp lý trong thương vụ Uber sáp nhập với Grab thì Uber vừa chính thức gửi đi thông báo đến người tiêu dùng về việc xóa sổ ứng dụng này bắt đầu từ ngày 8/4.
Trí trức trẻ cho hay tối ngày 8/4, nhiều hành khách sử dụng dịch vụ của Uber đã không còn tìm được tài xế nào trên bản đồ ứng dụng. Mặc dù thông tin Uber ngừng hoạt động đã được hành khách biết đến trước đó nhưng sự chia tay với những tài xế mặc áo xanh dương vẫn khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
Tài xế Uber "phủ xanh" nhiều tuyến phố sáng 8/4 để chia tay "mái nhà màu xanh dương". Ảnh: Trí thức trẻ |
Sau khoảng 4 năm cạnh tranh quyết liệt nhưng không mang lại hiệu quả, Uber đã chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam và trở thành một phần trong đại gia đình Grab ở Việt Nam.
Mặc dù trong 4 năm đó, không thể phủ nhận Uber đã mang đến cho người dùng nhiều trải nghiệm mới mẻ thông qua ứng dụng gọi xe tiện lợi cùng chi phí rẻ, Nhưng sự xuất hiện của loại hình mới này đã thổi bùng lên cuộc chiến gay gắt với các hãng taxi truyền thống.
Trong cuộc chiến với Uber và Grab, không ít các hãng taxi truyền thống làm ăn sa sút, lao đao. Mới đây, liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi đã quyết định ngừng hoạt động kinh doanh taxi để nghiên cứu cơ hội kinh doanh khác. Rồi nhiều các hãng taxi lớn, có tên tuổi như Mai Linh, Vinasun cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc đua giành thị phần.
Một báo cáo của đại diện hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM nhận định cùng với những lỗ hổng pháp lý và chiêu trò kinh doanh của Uber, Grab có thể khiến hệ thống taxi tan rã.
“Hiện nay chỉ riêng ở TP.HCM, 1/2 số đơn vị taxi thành viên Hiệp hội taxi ở TP. HCM đã tan rã, các đơn vị còn lại cũng giảm đến 30% số xe. Tại Hà Nội số lượng đầu xe cũng giảm trên 35% số lượng đầu phương tiện”, báo cáo này cho biết.
Tuy nhiên, sau thương vụ Uber “bán mình” cho Grab, trật tự thị trường sẽ được định vị lại. Taxi truyền thống đã bớt đi một “đối thủ” đáng gờm, “cuộc chiến” giờ chỉ còn Grab. Mặc dù đại đa số các ý kiến đều đồng tình cho rằng việc sáp nhập này sẽ gia tăng sức mạnh rất lớn cho Grab, tuy nhiên trong thách thức không phải không có thời cơ.
Chia sẻ trên Dân Trí, liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia tỏ ra khá lạc quan: “Tất nhiên, khi xuất hiện một người khổng lồ, chúng ta thường có tâm lý lo ngại. Nhưng tôi cho rằng, việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt”.
Ông Hùng cũng cho biết việc Grab thành công ở Đông Nam Á và giành lại thị phần của Uber là một trong những ví dụ sinh động các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng, và niềm tin tốt đẹp cho doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?" vừa diễn ra, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng đã nhận định “cuộc hôn nhân” của Uber, Grab khiến các hãng taxi Việt Nam cạnh tranh khó khăn hơn.
Và theo ông Hùng, trước thực tế này, taxi Hà Nội phải đoàn kết.
Vị đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội đã đề xuất làm tổng đài chung cho các hãng nhưng doanh nghiệp taxi hoạt động lâu năm, có tên tuổi không ủng hộ. Sau đó, Hiệp hội kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng.
Đây được xem là sàn giao dịch dùng chung cho tất cả hãng taxi Hà Nội, giúp tất cả mọi người khi đến thủ đô có thể tải, truy cập phần mềm, lựa chọn hãng tùy thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn.
Bình luận về ý tưởng này của đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc Hồ Quốc Phi cho rằng, nếu như trước đây Uber, Grab hoạt động riêng rẽ, họ đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành taxi nhưng nay hai công ty cực mạnh này kết hợp lại thì dự kiến sẽ còn khó khăn hơn.
Phía lãnh đạo Mai Linh cũng khẳng định "rất hoan nghênh và sẵn sàng chạy chung với các hãng khác". "Trong quá trình chạy, ban đầu chắc chắn sẽ có trục trặc nhưng sau này tất cả các hãng sẽ hợp lực tạo thành sức mạnh để cạnh tranh. Tôi chắc chắn ứng dụng này sẽ không gây thêm bất cứ khó khăn nào mà chỉ càng tạo thêm sức mạnh", ông Hồ Quốc Phi nói.
Chi 2.200 tỷ đồng vào ứng dụng gọi xe VATO ngay sau khi Uber rút lui, ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang khẳng định sẵn sàng chấp nhận có đấu trường để cạnh tranh phát triển.
"Chúng tôi mong muốn có sự rõ ràng trong luật pháp và Chính sách để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, có nghĩa vụ với Nhà nước, trách nhiệm với các cơ quan liên ngành", ông Dũng cho biết.
Hồng Hạnh (tổng hợp)