Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Thông tin mới nhất trên báo Thanh Niên và Vietnamnet cho hay đây là một trong những điểm nổi bật trong dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH TƯ vừa được Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính trình hội nghị TƯ 8 thảo luận và thông qua.
Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng mà Bộ Chính trị trình Hội nghị T.Ư 8 gồm 4 điều.
Hội nghị TƯ 8 diễn ra từ ngày 2-6/10. Ảnh: Vietnamnet |
Trong đó, điều 1 quy định quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng và nhấn mạnh cán bộ giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu.Nội dung điều 1 nêu: Tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành T.Ư phải gương mẫu chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Chính sách, pháp luật của nhà nước; nghiêm túc thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành T.Ư về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp", Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương cùa cán bộ, đảng viên”.
Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phái gương mẫu.Điều 2, gồm 10 điểm, yêu cầu từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ủy viên T.Ư Đảng phải gương mẫu về bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu; đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; vai trò trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Cụ thể, điều 2 quy định các cán bộ nêu trên phải trung thành tuyệt đối, kiết quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội với đường lối mới của Đảng; luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng; không ngại khó khăn gian khổ; thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, tôn trọng pháp luật; thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm; thực sự dân chủ, công tâm, khác quan; mẫu mực về đạo đức, lối sống…
Một điểm mới được nêu ra tại điều 2 là tại điểm 10 yêu cầu các cán bộ nêu trên chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín, hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Kiên quyết chống tham vọng quyền lực, lộng quyền, lợi ích nhóm
Tại điều 3, gồm 9 điều, quy định từng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lội; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… đang gây bức xúc trong dự luận xã hội.
Trong đó, khoản 1 điều này nêu rõ, một trong những việc phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống lại là chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, “tư duy nhiệm kỳ”, công thần, tự cao, tự đại, háo danh, phô trương, “đánh bóng” tên tuổi; hứa suông, nói không đi đôi với làm; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác.
Còn tại khoản 9 điều này nêu rõ, một trong những việc phải kiên quyết chống là: lợi dụng uy tín, mượn danh người khác để nói, viết, đăng tin bài sai sự thật, tạo dư luận, gây ảnh hưởng nhằm đề cao cá nhân mình, tô hồng thành tích hoặc bôi nhọ, hạ thấp uy tín tập thể, cá nhân khác.
Minh Di (tổng hợp)