Tin mới

Bị đâm chết sau va chạm giao thông: Ra đường khó tránh đụng xe, dễ bề mất mạng!

Thứ hai, 16/05/2016, 13:40 (GMT+7)

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ẩu đả, chém giết nhau kinh hoàng sau khi xảy ra va chạm giao thông đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng báo động về văn hóa ứng xử của một bộ phận người đi đường.

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ẩu đả, chém giết nhau kinh hoàng sau khi xảy ra va chạm giao thông đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng báo động về văn hóa ứng xử của một bộ phận người đi đường.

Khi lưu thông trên đường, tất cả mọi người đều khó để tránh khỏi va chạm giao thông. Và hình ảnh người tham gia giao thông xô xát, to tiếng, cự cãi, thậm chí là ẩu đả nhau có thể không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra liên quan đến va chạm giao thông đã khiến nhiều người phải rùng mình. Vì trong hầu hết các trường hợp đó, chỉ với những nguyên nhân rất nhỏ nhưng các "sát thủ" lại sẵn sàng ra tay một cách tàn độc, cướp đi tính mạng của người đi đường.

Điển hình, mới đây nhất, vào tối ngày 15/5, chỉ vì cự cãi vì va chạm giao thông mà anh Thân Văn Ngọ (26 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) đã bị một thanh niên rút dao đâm gục tại chỗ ngay tại khu vực hầm chui Tân Tạo (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh). Anh Ngọ sau đó đã tử vong do vết thương quá nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do anh Ngọ điều khiển xe máy xảy ra va chạm với một xe chở hai thanh niên lưu thông cùng chiều. Lúc cả hai xe đều bị ngã xuống đường thì hai bên xảy ra cãi vã rồi dẫn tới án mạng đau lòng.

Không ít vụ va chạm giao thông, người đi đường xông vào ẩu đả nhau. Ảnh minh họa

Rạng sáng ngày 30/4, sau khi xảy ra vụ va chạm giao thông trên đường Bình Long (quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh), hai nhóm thanh niên cũng xảy ra cự cãi. Khi tới gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa, anh Nguyễn Anh Quốc (27 tuổi, quê ở Bình Định) đã bị một đối tượng của nhóm đối phương rút dao từ cốp xe đâm trúng ngực khiến anh gục tại chỗ, sau đó tử vong. 

Xem thêm video:

Cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, vụ 2 người đi ô tô đánh gãy tay một thanh niên sau khi đụng xe xảy ra vào hôm 23/4 đã khiến không ít người rùng mình. Nạn nhân vụ ẩu đả là anh Lưu Kim Thể (27 tuổi, quê Phú Yên). Được biết, sau khi điều khiển xe máy va chạm với một xe ô tô 4 chỗ, anh bị ô tô này lao tới húc ngã xuống đường. Sau khi hai bên "lời qua tiếng lại", anh Thể hai người đàn ông trên xe ô tô đuổi đánh, cầm cây và ghế đập vào người khiến anh bị gãy tay trái và xương bàn chân.

Hôm 7/4, tại khu phố 2, phường Mỹ Phước (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), chỉ do va chạm với một xe máy khác lưu thông cùng chiều (do Trịnh Văn Hoài Thanh, 23 tuổi, quê An Giang) điều khiển mà hai thanh niên Đặng Văn Cường (25 tuổi) và Nguyễn Thanh Sang (24 tuổi) đã bị Thanh rút dao nhọn thủ sẵn trong người đâm tử vong.

Còn ở khu vực Hà Nội, hồi tháng 1, vụ việc cả gia đình bị truy sát xảy ra ngay trên con phố thuộc khu vực quận Long Biên cũng khiến nhiều người đi đường khiếp sợ. Hung thủ đã dùng kéo đâm trọng thương hai vợ chồng anh Trương Tiến Dũng và chị Phạm Thị Thanh Huyền (ở Đức Giang, Long Biên); con trai anh Dũng cũng bị thương và phải vào viện cấp cứu. Nguyên nhân chỉ vì xe máy do anh Dũng điều khiển va chạm với xe của hung thủ chở theo con gái phía sau...

Xem thêm video:

Những vụ án mạng liên tiếp xảy ra xuất phát từ nguyên nhân va chạm giao thông đã khiến người đi đường kinh hãi. Bởi trước tình trạng một bộ phận người manh động, luôn trữ sẵn hung khí và sẵn sàng xông vào tấn công, cướp đi sinh mệnh của người khác chỉ vì những va chạm, xô xát nhỏ, thì người đi đường càng lo sợ trước những "sơ sảy" có thể xảy ra đối với bản thân mình.

Chuyện đúng - sai trong các vụ va chạm, đụng xe trong các tình huống va chạm, ngoài việc phân bua, xô xát, cãi vã, thậm chí "ăn vạ" thì  có thể vẫn còn cần thêm nhiều yếu tố để phân xử rạch ròi. Tuy nhiên, điều khiến người đi đường quan tâm hơn cả có lẽ vẫn là cách "xử" người va chạm một cách thẳng tay, mau chóng và manh động đang xảy ra một cách đáng báo động như hiện nay.

Trong quá trình tham gia giao thông, các tình huống như dừng xe gấp, phóng xe thiếu quan sát, rẽ đột ngột mà không xin đường, vượt đèn đỏ, sai làn... đều có thể trở thành một trong những nguyên nhân gây va chạm của các phương tiện. Và với nhiều va chạm không đáng, không gây thương tích, hoặc hư hỏng tài sản không đáng kể, thì thay vì nhường nhịn, bỏ qua cho nhau, hoặc nhờ lực lượng chức năng tới giải quyết, phân xử, nhiều người lại tự ra tay "xử" đối phương một cách manh động, liều lĩnh, hung hãn. Kết cục của những vụ tự "xử" đó là gây thương tích, thậm chí tước đoạt mạng người.

Nhiều độc giả nêu ý kiến, tùy vào từng trường hợp "nặng - nhẹ" khác nhau, trong văn hóa giao thông, chúng ta nên hình thành thói quen kiềm chế hoặc nói lời xin lỗi, bất chấp tình huống mình đúng hay sai. Tuy nhiên, ý kiến góp ý đó có thể chỉ dành cho những người có ý thức biết "sợ": sợ cãi vã có thể gây ẩu đả, sợ đánh người có thể gây thương tích cho cả bản thân mình và đối phương, sợ hành động quá khích có thể gây chết người, sợ vi phạm pháp luật... Còn đối với những người luôn có xu hướng phải giải quyết mâu thuẫn va chạm bằng hung khí, coi việc tước đi tính mạng của đối phương là "chuyện nhỏ" thì thiết nghĩ, nếu để xảy ra va chạm, người đi đường cũng chỉ còn biết phó mặc cho sự... hên xui.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news