Tin mới

Văn phòng Chủ tịch nước công bố 6 Luật mới được Quốc hội thông qua

Thứ tư, 12/07/2017, 14:36 (GMT+7)

Sáng nay 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 Luật vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua.

Sáng nay 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 Luật vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua.

Tham dự họp báo có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan hữu quan. Ảnh: VGP

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV gồm: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt 2017; Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Luật Du lịch 2017 và Luật Thủy lợi.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (gồm 4 chương, 35 điều)

Được xây dựng trên quan điểm và nguyên tắc là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; hỗ trợ chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế, Chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Luật có kết cấu gồm 4 chương, 35 điều với phạm vi điều chỉnh quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ DNNVV; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Về tiêu chí xác định DNNVV: Luật sử dụng 3 tiêu chí là số lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số lao động tham gia BHXH (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với 1 trong 2 tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng Doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng).

Luật Quản lý ngoại thương (gồm 8 chương, 113 điều)

Điều chỉnh chủ yếu công tác quản lý nhà nước về ngoại thương, bao gồm: Các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau, chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng là dịch vụ.

Với bố cục gồm 8 chương, 113 điều, Luật quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; các biện pháp hành chính; các biện pháp phòng vệ thương mại; biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương…

Luật Đường sắt 2017 (Gồm 10 chương với 87 điều)

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Luật đường sắt được công bố đợt  này cũng đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật đường sắt ban hành năm 2005 và đặc biệt có nhiều điểm mới được bổ sung.

Gồm 10 chương với 87 điều, tăng 2 chương và giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005. Luật có các quy định đầy đủ điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt. Những điểm mới của Luật được thể hiện ở các nội dung lớn như về chính sách phát triển đường sắt; kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; đường sắt đô thị; đường sắt tốc độ cao…

Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (gồm 6 chương, 60 điều)

Chuyển giao công nghệ là vấn đề không mới nhưng luôn nóng trong  giai đoạn hiện nay với lo ngại Việt Nam sẽ là “bãi rác” công nghệ của thế giới. Luật chuyển giao công nghệ được công bố đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về vấn đề này.

Được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Chuyển giao công nghệ 2006, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Sửa đổi, bổ sung chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; tiêu chí xây dựng danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Luật có bố cục gồm 6 chương, 60 điều.

Luật Du lịch 2017 (Gồm 9 chương, 78 điều)

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, đây là một nội dung sửa đổi quan trọng của Luật du lịch. Việc thành lập Quỹ sẽ tạo ra nguồn kinh phí lớn hơn cho các hoạt động xúc tiến du lịch, tạo cơ chế chủ động hơn trong việc quản lý, sử dụng kinh phí này nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, xây dựng, phát triển, kinh doanh các sản phẩm du lịch có chất lượng, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư và đáp ứng nhu cầu của thị trường, Luật bổ sung quy định về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và phát triển du lịch cộng đồng.

Gồm 9 chương, 78 điều (giảm 20 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005) với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn du lịch; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch…

Luật có các quy định cụ thể liên quan đến khách du lịch; tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quy hoạch về du lịch; điểm du lịch, khu du lịch; kinh doanh du lịch; hướng dẫn viên du lịch; xúc tiến du lịch, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; quản lý nhà nước về du lịch…

Luật Thủy lợi (Gồm 10 chương, 60 điều)

Điểm mới của Luật Thủy lợi quy định chuyển từ ''phí'' sang ''giá'' sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi ''phục vụ'' sang thủy lợi ''dịch vụ'', gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi; giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư; kinh phí hỗ trợ được ngân sách Nhà nước bảo đảm; Chính phủ sẽ quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm ổn định trong phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn.

Các Luật mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, được kỳ vọng sẽ tạo ra các bước đột phá trong cơ chế quản lý, chính sách, thúc đẩy hoạt động của các lĩnh vực đã được nghiên cứu, điều chỉnh, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news