Tin mới

Vụ vàng giả tinh vi dùng đèn khò không ra: Máy quang phổ cho kết quả thế nào?

Thứ sáu, 13/11/2015, 17:13 (GMT+7)

Máy quang phổ chỉ phân tích được bề mặt của vật mẫu mà không thể xác định được các thành tố bên trong nên dù có quang phổ bao nhiêu lần thì kết quả phân tích các mẫu "vàng Trung Quốc" vẫn cho ra vàng "xịn".

Máy quang phổ chỉ phân tích được bề mặt của vật mẫu mà không thể xác định được các thành tố bên trong nên dù có quang phổ bao nhiêu lần thì kết quả phân tích các mẫu "vàng Trung Quốc" vẫn cho ra vàng "xịn".

Đề cập tới những vấn đề liên quan vụ vàng giả Trung Quốc tinh vi khiến nhiều chủ tiệm vàng ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bị qua mặt, GS. TS Phan Trường Thị - Viện trưởng Viện Kiểm định Đá quý, Vàng và Trang sức Việt cho biết, nếu số "vàng Trung Quốc" này được kiểm định với nhiều máy quang phổ khác nhau thì kết quả thu được vẫn là "vàng xịn" vì máy chỉ đo được lớp vàng bao bọc bên ngoài lõi Vonfram.

Video:

GS. Phan Trường Thị lưu ý, độ sâu nhất của mẫu mà máy này có thể đo được tính từ bề mặt vào trong chỉ khoảng 5/nghìn li. Dó đó, trường hợp mẫu cần đo là một khối hợp kim được phủ một lớp kim loại vàng bên ngoài thì máy cũng không thể đo được thành phần, hàm lượng của các thành tố bên trong của khối đó.

Do vậy, trong trường hợp này, các chủ tiệm vàng ở Hạ Long đã quá chủ quan khi dùng phương pháp quang phổ để kiểm tra số "vàng Trung Quốc" trên và kết quả là đã bị "qua mặt".

Ví dụ, khi cần đo hàm lượng vàng ở mặt ngoài của một sợi dây chuyền bằng phương pháp này, chỉ cần đặt sợi dây vào vị trí giữa của máy đo quang phổ, sau đó đậy nắp lại cho kín. Trong khoảng một phút, máy sẽ cho kết quả hiển thị thành phần và hàm lượng của vàng cùng với các hợp kim trong sợi dây thông qua một màn hình có kết nối trực tiếp với máy đo. 

Sợi dây chuyền được đưa vào máy quang phổ để đo hàm lượng vàng ròng. Ảnh: Vũ Đậu

Ở biểu đồ hình Sin trên màn hình, màu vàng chính là biểu tượng của kim loại vàng, và hàm lượng vàng được hiển thị ở ô đầu tiên trong bảng phân tích.

Máy đo quang phổ hiển thị chi tiết hàm lượng vàng ròng và các thành tố khác trên bề mặt dây chuyền. Ảnh chụp màn hình

Theo GS. Phan Trường Thị, trên thực tế có rất nhiều các loại vật liệu giả vàng hoặc được mạ vàng với hàm lượng rất thấp (chỉ 3-4%). Nhìn bề ngoài, các đồ mạ vàng trông giống như vàng thật nhưng chúng không mang giá trị về kinh tế mà chủ yếu thiên về tính thẩm mỹ.

Video:

Đối với kim loại vàng, loại này được sử dụng chủ yếu để làm đồ trang sức. Tỷ lệ vàng ròng trong đó tùy thuộc vào mục đích của người sử dụng. Tuy nhiên, hàm lượng phổ biến là từ 30 đến 80%. Còn vàng thương mại là loại được sử dụng để giao dịch tương đương với tiền. Vàng thương mại có các loại 24K, 22k, 18K, 14K...

Vàng 24K chứa 99,99% vàng ròng, còn vàng 18K có hàm lượng vàng trong sản phẩm tương đương 75%. Phụ liệu tham gia vào quá trình điều chế từ vàng 24K thành vàng 22K, 18K, 14K… gọi là Hợp kim như đồng, bạc...

Kết quả sau khi quang phổ cho thấy, mẫu vàng lá là loại vàng 24K (hàm lượng vàng ròng đạt 99,99%). Ảnh chụp màn hình

Với một mẫu thử là vàng lá 24K đã được mua trước đó, muốn kiểm tra xem hàm lượng vàng ròng trong đó là bao nhiêu, chỉ cần lặp lại cách đo tương tự như đã thực hiện khi đo sợi dây chuyền vàng, kết quả phân tích sẽ hiển thị trên màn hình chỉ sau 1 phút. 

Ngoài các phương pháp "thử vàng" là dùng đá, phân kim, đèn khò... thì phương pháp sử dụng máy đo quang phổ cũng được áp dụng. Tuy nhiên, ngoài điểm hạn chế là chỉ đo được bề mặt ngoài của mẫu thì phương pháp này còn được cho là khá tốn kém vì chi phí để mua một máy đo quang phổ này không hề rẻ, ít nhất phải từ 500 ngàn đô la trở lên. Do đó, 3 phương pháp truyền thống nêu trên vẫn được các tiệm kim hoàn sử dụng là chủ yếu.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news