Tin mới

Về ngôi làng có ba người được lưu danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám

Thứ hai, 23/02/2015, 09:09 (GMT+7)

Không biết từ bao giờ Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ được xếp vào hạng “sách”, tức là một vùng đất biên viễn hẻo lánh (nay Xuân Lũng vẫn là một xã miền núi).

Không biết từ bao giờ Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ được xếp vào hạng “sách”, tức là một vùng đất biên viễn hẻo lánh (nay Xuân Lũng vẫn là một xã miền núi).

Không ai nghĩ rằng, chính từ trong vòng rào cản khép kín với bên ngoài này, Xuân Lũng đã có nhiều nhân tài của đất Việt được ghi vào sử sách. Ngày nay, mảnh đất hiếu học ấy vẫn tiếp tục sản sinh ra hàng trăm giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo ưu tú; nhiều nhà thơ, nhạc sỹ, dịch giả, kiến trúc sư, bác sỹ nổi tiếng trong cả nước...

Vùng đất sản sinh nhiều nhân tài

Xuân Lũng là miền đất trung du bán sơn địa. Từ xa xưa, nơi đây đã là một góc của mảnh đất Tổ của vua Hùng. Dòng sông Thao nô nức sóng dồn là thượng nguồn của dòng sông Cái, sông mẹ của đất nước. Khi đổ xuống đã ghé qua nơi đây và để lại một bến nước có tên là bến Dòng.

Ngôi làng trù phú trên bến dưới thuyền lại miên man đồi gò sông bãi chiếm kỷ lục về số thôn xóm, lên tới 36 xóm cũng chung tên gọi với bến Dòng mà có tên vô cùng dân dã là Kẻ Dòng. Sau này, nơi đây được gọi tên chữ là Văn Lũng sách.

Về ngôi làng có ba người được lưu danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh 1

Văn bia, Văn chỉ làng Dòng - một biểu tượng văn hóa của ngôi làng có truyền thống hiếu học.

Khi chúng tôi tới thăm mảnh đất nhiều nhân kiệt này, ngay từ đầu xã, một cháu bé gái, dáng người nhỏ nhắn, chừng 10 tuổi kể vanh vách về cụ Tổ đời thứ hai của mình là Hoàng Giáp Nguyễn Chính Tân (hay còn được gọi là Đệ nhị tam giáp Nguyễn Chính Tân) sinh năm 1484, làm quan đến chức Thượng Thư. Đôi mắt cháu ánh lên niềm tự hào khó tả. Có lẽ chính vì niềm tự hào ấy mà truyền thống hiếu học đã được truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác ở mảnh đất miền biên viễn hẻo lánh này. Cháu chỉ cho chúng tôi đường vào nhà ông Chủ tịch xã rồi chạy biến, khuất sau những rặng tre xanh rì.

Nhà văn Nguyễn Văn Toại, một người con của ngôi làng cho hay: “Trải qua các triều đại phong kiến cho đến tận ngày nay đất Xuân Lũng luôn có số người học hành, đỗ đạt nhiều hơn hẳn các địa phương khác. Sử sách còn lưu danh nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng của làng Dòng như cụ Bùi Ứng Đẩu đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ năm 1400 làm quan dưới triều nhà Hồ.

Cụ Nguyễn Doãn Cung đỗ đệ nhị tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân năm 1469 làm quan Tả thị lang Bộ lại dưới triều vua Lê Thánh Tông, cụ Nguyễn Chính Tuân đỗ Đệ nhị tam giáp Tiến sỹ xuất thân năm 1504 làm quan chức Thượng Thư bộ hình, cụ Nguyễn Mẫn Đốc thi đỗ Bảng nhãn năm 1518 làm quan Thị thư Hàn lâm viện, cụ Nguyễn Hãng hiệu “Nại hiên tiên sinh” là một danh nho có tài thơ phú vào bậc nhất lúc bấy giờ”.

Về ngôi làng có ba người được lưu danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh 2

Đại hội khuyến học xã Xuân Lũng lần thứ III, nhiệm kỳ 2012 – 2017 (ảnh tư liệu).

Trong những bậc hiền tài ấy nổi lên là Hoàng Giáp Nguyễn Chính Tuân. Ông sinh năm 1484 giữa thời trị vì của vua Lê Thánh Tông. Gia phả họ Nguyễn ở nơi đây ghi rõ rằng, Nguyễn Chính Tuân là con trai thứ ba của hai cụ Ngô Tiến Đức và Mai Thị Tình, quê gốc ở Tống Sơn, Thanh Hóa. Cụ Đức đã có mặt ở thời Lam Sơn khởi nghĩa, làm quan ở các thời Thái Tổ, Thái Tông, Nhân tông nhà Lê.

Có thuyết cho rằng, gặp thời loạn cuối những năm 50 của thế kỷ XV, cụ Ngô Tiến Đức đã đem theo vợ con chạy về vùng đất Kẻ Dòng, khi ấy có tên là Văn Lung sách, sau này đổi thành Xuân Lũng xã. Ông Đức đổi họ Ngô thành họ Nguyễn và gây dựng thành Tổ của họ Nguyễn ba ngành làng Xuân Lũng. Hoàng Giáp Nguyễn Chính Tuân là đời thứ hai của họ Nguyễn ba ngành. Ông cũng là đồng hương, lại chung việc đỗ đạt với các danh sỹ và các nhà khoa bảng: Nguyễn Doãn Cung, Nguyễn Hãng, Nguyễn Mẫu Đốc lúc bấy giờ.

Hoàng Giáp Nguyễn Chính Tuân may mắn được sinh ra trong môi trường hiếu học của gia đình. Đặc biệt, ngôi làng Xuân Lũng tuy nằm sâu trong chốn đồi, rừng nhưng đã có trường học đàng hoàng. Chuyện chăm chỉ học hành của các bậc hiền tài luôn khiến ông noi theo.

Như việc học dưới ánh đèn đom đóm của cụ Nguyễn Doãn Cung, thần đồng Nguyễn Hãn ra khu chợ của làng vờ chọn sách để mua nhưng kỳ thực là đọc trộm, bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc mượn sách của trạng nguyên Vũ Duệ vừa đi đường vừa học. Những câu chuyện như thế đã được Nguyễn Chính Tuân khắc sâu để tới năm 1514 ông đĩnh đạc dự thi và đỗ ngay Hoàng Giáp, làm dạng danh cho quê hương, dòng họ Nguyễn ba ngành.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, khoa thi năm Giáp Tuất, đời vua Lê Chiêu Tông (1514) là một khoa thi quan trọng, một điểm sáng ngời của cuộc đời trị vì của vị vua mà dân gian ta vẫn quen gọi là Trư vương (vua lợn). Ở những lúc hiếm hoi, chói sáng cuộc đời trị của các vị vua quỷ, vua lợn là tổ chức được một khoa thi quan trọng. Đó là khoa thi của cụ Nguyễn Chính Tuân. Đặc trưng cuộc đời làm quan của cụ không dài, từ năm 1514 đến năm 1527.

Có những tài liệu ghi cụ làm quan đến chức thượng thư (tương đương với cấp bộ) hiện nay. Cụ làm quan rất trung trực, đến khi nhà Mạc tiếm ngôi, cụ về quê, vào rừng Anh Đài ở ẩn. Đến thời Lê Trung Hưng, cụ được phong 16 chữ vàng là: Uy trấn lừng vang, đức độ tỏa rạng, đạo vua một lòng, tiếng thơm vạn thuở.

Truyền lửa cho các thế hệ sau

Cụ Nguyễn Lựu, một cao niên trong làng cho biết, từ rất xa xưa, người Xuân Lũng đã chú trọng việc học hành và mở trường từ khá sớm. “Trường tư” xưa nhất ở đây đã xuất hiện từ thế kỷ thứ XV hoặc sớm hơn, đó là trường của cụ đồ thân sinh cụ Nguyễn Doãn Cung đặt ở xóm Hống.

Rồi, trường Nại Hiên của cụ Nguyễn Hãng. Lớp dạy chữ nho tồn tại suốt một thời kỳ dài của đồ Quế ở xóm Chi Huy. Thiếu thầy thì người dân nơi đây đón thầy từ xa đến. Chỉ nêu một trường hợp: Họ Đặng đã rước thầy đồ Tú Đụp từ Sơn Tây về xóm Làng Thượng và còn cưới cho thầy một cô gái đẹp cốt để giữ chân thầy. Khi địa phương “hết chữ” thì tìm cách đưa con đi học xa.

Trước năm 1945, trong hương ước của làng đã quy trách nhiệm: “Dạy trẻ em có học thức phổ thông là nghĩa vụ của các phụ huynh”. Làng cũng mạnh dạn “gieo” ước mơ: “Khi nào có nhiều tiền công thì làng sẽ mở một trường Âu học”; đồng thời đề ra nhiều điều mục cùng với những biện pháp cụ thể nhằm giữ gìn kỷ cương xã tắc, trong đó có những vấn đề còn nguyên ý nghĩa đối với ngày nay như việc khuyến học, xây dựng nếp sống văn minh, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ môi trường sinh thái... Từ năm 1920-1921, trường tiểu học Pháp - Việt Xuân Lũng ra đời. Biết bao con em của làng đã nên người từ ngôi trường tân học này.

Xuân Lũng đã có trên năm chục giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, thạc sỹ ở nhiều lĩnh vực cùng vài trăm cử nhân, bác sỹ, kỹ sư, nhà giáo ưu tú, các nhà quản lý. Có gia đình hai cha con, hai anh chị em cùng thành đạt.

Ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch xã tự hào cho biết: “Hiện nay ở làng Dòng có khoảng 900 người có bằng đại học trở lên; trong đó giáo sư, tiến sỹ trên các lĩnh vực có gần 50 người. Chưa kể, nhiều người làng Dòng còn là nhà thơ, nhà văn, nhà dịch thuật, nhạc sỹ nổi tiếng. Năm ngoái, làng cũng có hơn hai chục cháu đỗ đại học, nhiều cháu đạt huy chương trong cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet. Người ta gọi làng Dòng là làng học hay đất học, đây cũng chính là niềm tự hào vô cùng to lớn của người dân Xuân Lũng”.

 

Hai cha con được ghi danh tại Văn Miếu

Về ngôi làng có ba người được lưu danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh 3

 

Văn Miếu Quốc Tử Giám lưu danh ba vị tiến sỹ làng Xuân Lũng; trong đó có hai cha con tiến sỹ Nguyễn Doãn Cung.

Cụ Nguyễn Doãn Cung đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ năm 1469 khoa Kỷ Sửu. Con là cụ Nguyễn Mẫn Đốc còn đỗ cao hơn thân phụ, tới học vị Đệ nhất giáp Tiến sỹ cấp đệ nhị danh (Bảng nhãn) năm 1518.

Người thứ ba là cụ Đệ nhị giáp (hay Hoàng Giáp) Nguyễn Chính Tân đỗ năm 1514.

 

Bảo Ngọc

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news