Có những thiên thạch mà sức công phá của nó tương đương như quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki.
Tin tức mới nhất, rất nhiều người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã trực tiếp nhìn thấy một vệt sáng lớn trên bầu trời lao xuống khu vực biên giới Việt – Lào kèm theo tiếng nổ vang trời. Đến thời điểm này, vẫn chưa có cơ quan nào xác định được chính xác vị trí rơi của luồng ánh sáng đó.
PV báo Người đưa tin đã đem hình ảnh mà người dân ghi lại được đến trao đổi với Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam về hiện tượng này.
Vệt sáng phát nổ ở Hà Tĩnh được người dân chụp lại. Ảnh Internet |
Thưa ông, từ những hình ảnh mà người dân ghi nhận được về hiện tượng vệt sáng phát nổ trên bầu trời Hà Tĩnh, ông có thể đưa ra nhận định về hiện tượng đang rất được quan tâm này?
Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Trước hết, chúng ta cần xác minh vệt sáng là có thật hay không. Nếu không ai nhìn thấy và bức ảnh là giả thì chưa chắc tiếng nổ đã là do vật gì đó rơi xuống.
Trong trường hợp đúng là có một vật thể rơi xuống gây ra một vụ nổ thì có nhiều khả năng có thể xét đến. Ngoài khả năng đây là một thiên thạch thì đó cũng có thể là một tai nạn hàng không quy mô nhỏ hoặc một thứ thường được gọi là rác vũ trụ - những vệ tinh và thiết bị trên quỹ đạo đã hết hạn sử dụng bị rơi trở lại vào Trái Đất. Tuy nhiên trường hợp tai nạn hàng không thì rất khó xảy ra vì nếu có một máy bay đột nhiên mất tích thì các cơ quan có chức năng liên quan chắc chắn sẽ có báo cáo cụ thể.
Về khả năng thiên thạch, hàng ngày đều có rất nhiều thiên thạch lao qua khí quyển Trái Đất, nhưng tuyệt đại đa số chúng rất nhỏ và cháy hết trên đường đi nên không thể chạm tới mặt đất. Khi cháy trong khí quyển, chúng để lại những vệt sáng dài, đó chính là các sao băng. Tuy nhiên hãn hữu có những thiên thạch đủ lớn để không cháy hết trong khí quyển nên rơi xuống bề mặt Trái Đất. Trường hợp này rất hiếm xảy ra, tuy nhiên không phải không có.
Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam |
Vậy thiên thạch rơi sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến Trái Đất, thưa ông?
Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Nhiều người lo ngại về những va chạm này, vì với va chạm ở vận tốc lớn như vậy thì một thiên thạch có thể gây chết người, thậm chí làm sập các công trình xây dựng nếu lao xuống mặt đất. Tuy nhiên, trên thực tế điều này không đáng lo ngại vì những thiên thạch lớn như vậy vô cùng hiếm.
Theo một thống kê không chính thức thì khả năng một người chết vì thiên thạch hoặc rác vũ trụ là một trên 5 tỷ, tức là cứ 5 tỷ người mới có một người chết vì lí do này. Với tỷ lệ như vậy thì khả năng một người gặp tai nạn như thế còn nhỏ hơn rất rất nhiều lần so với khả năng bỏ mạng vì Tai nạn giao thông hàng ngày, do đó việc lo ngại tai họa dạng này là không cần thiết. Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam chúng ta cũng chưa ghi nhận được bất cứ vụ va chạm thiên thạch nào.
Thiên thạch rơi xuống trái đất. Ảnh Internet |
Là một người nghiên cứu thiên văn, ông có thể cho biết trong thời gian tới, Việt Nam có bất kỳ hiện tượng thiên văn nào kỳ lạ hay không, đặc biệt là hiện tượng liên quan đến sao băng hoặc thiên thạch rơi?
Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Đối với những người yêu thích quan sát, cuối tháng 7 này chúng ta có thể theo dõi mưa sao băng Delta Aquarids và đến giữa tháng 8 sẽ có mưa sao băng Perseids - đặc biệt Perseids là trận mưa sao băng lớn trong năm và có thể dễ dàng quan sát nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Mưa sao băng chính là hiện tượng rất nhiều thiên thạch nhỏ lao vào khí quyển Trái Đất và cháy sáng.
Về vụ việc ở Hà Tĩnh, Hội Thiên văn Hà Nội có ý định vào thực địa kiểm tra hay không nếu đó là một trường hợp liên quan đến thiên văn học ?
Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn: Riêng đối với sự kiện nêu trên, việc xác nhận có phải va chạm thiên thạch hay không còn phải đợi quá trình làm rõ địa điểm xảy ra kết hợp với các phân tích khoáng vật chi tiết. Hội thiên văn học trẻ Việt Nam sẽ theo dõi thêm thông tin để có thể đưa ra những nhận định chính xác hơn cho người quan tâm.
Xin cảm ơn ông!
Sẽ nghiên cứu để bắn hạ thiên thạch "Người ta coi đó là hiện tượng kỳ lạ và muốn gắn cho sự kiện một phần tính chất thần bí, nhưng cá nhân tôi thì cho rằng nó một hiện tượng bình thường của tự nhiên. Hiện tượng vật sáng phát nổ trên bầu trời ở Việt Nam là có nhiều chứ không phải đến bây giờ mới có. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã có ghi chép một vài đoạn về thời kỳ vương triều Lý, vương triều Trần… cũng xuất hiện một số hiện tượng tương tự như thế này. Sức công phá của nó tương đương như quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Dư chấn là rất mạnh, có thể làm vỡ kính của các toà nhà cách đấy hàng km, như ở Nga một lài lần trước. Tuy nhiên, nó chỉ là một hiện tượng thiên nhiên bình thường, không có gì là kỳ bí và khoa học đã chứng minh những điều này", Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp – Giám đốc Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa & khoa học – công nghệ nhận định. | |
Kim Thược – Trần Chung