Tin mới

Vì sao cá voi liên tiếp dạt vào bờ ở Nghệ An?

Thứ sáu, 27/05/2016, 19:17 (GMT+7)

Theo chuyên gia về hải dương học, cá voi hoặc cá heo mắc cạn hoặc chết dạt vào bờ chủ yếu là do bị thương hoặc quá già, việc hai con cá voi liên tiếp dạt vào bờ ở Nghệ An cũng không phải là trường hợp hiếm gặp.

Theo chuyên gia về hải dương học, cá voi hoặc cá heo mắc cạn hoặc chết dạt vào bờ chủ yếu là do bị thương hoặc quá già, việc hai con cá voi liên tiếp dạt vào bờ ở Nghệ An cũng không phải là trường hợp hiếm gặp.

Trong 2 ngày 25 và 27/5, người dân ở xóm  9, xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu, Nghệ An) phát hiện hai con cá voi dạt vào bờ, gồm một con nặng 17 tấn mắc cạn được giải cứu thành công và một cá xác voi nặng gần 8 tấn. Đây cũng là lần thứ ba trong năm phát hiện cá voi trôi dạt vào vùng biển này.

[mecloud]XMUsxPGjpk[/mecloud]

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Anh Khánh, Phụ trách Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển thuộc Viện Hải Dương học cho biết, con cá voi nặng 17 tấn vừa mắc cạn và được giải cứu ở Nghệ An nhưng đã chết sau đó 1 ngày thuộc loài cá voi xanh, đã khá già và bị thương. 

Cũng theo ông Khánh, cá voi mắc cạn hoặc chết dạt vào bờ chủ yếu là những con yếu, già hoặc bị thương. Trong thời gian công tác tại Viện Hải Dương học, ông đã gặp rất nhiều con cá voi, cá heo dạt vào bờ và được giải cứu nhưng hầu như chúng đều chết sau đó không lâu. 

Con cá dài hơn 13m, nặng chừng 17 tấn dạt vào bờ biển Diễn Châu ngày 25/5 được người dân đưa ra biển nhưng đã chết sau đó và được mai táng theo phong tục địa phương. Ảnh Dân Trí

"Chủ yếu những con cá voi dạt vào bờ là những con đã già, yếu, riêng cá heo thì thường chúng vào bờ để cầu cứu sự giúp đỡ khi bị thương. 

Vào năm ngoái, một con cá heo khá lớn còn sống được người dân phát hiện gần bờ biển Nha Trang, người dân đã cố gắng đưa ra biển nhưng không được nên kéo vào bờ thờ cúng. Sau khi nhận được tin, chúng tôi yêu cầu được cấp cứu nó, nếu chết thì sẽ xử lý theo phương pháp của viện lưu trữ. Tuy nhiên, sau khi đưa về và được nuôi trong lồng, các chuyên gia cho hô hấp, truyền nước, dùng thuốc và ăn uống bình thường, thì một tuần sau nó bỏ ăn và chết. Khám nghiệm thì cho thấy nó đã già, răng đã mòn đến tận hàm, nội tạng vẫn bình thường và kết luận nó chết già", ông Khánh nói.

 Về việc cá voi liên tiếp dạt vào bờ biển Diễn Châu (Nghệ An), ông Khánh nhận định: đây chưa phải là hiện tượng bất thường, hiếm gặp. Thời gian trước, nhiều vùng biển khác như vùng biển Khánh Hòa, vùng biển ở huyện Thủy Tú (Phan Thiết) cũng từng từng có đến cả trăm xác cá voi, cá heo dạt vào bờ.

Trước phỏng đoán của một số độc giả cho rằng  cá voi đuổi theo nguồn thức ăn mà dạt vào bờ, ông Khánh cho rằng nhận định này không có cơ sở khoa học.

"Vào bờ thường không có thức ăn, ngoài khơi có nhiều nguồn thức ăn hơn", ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng chia sẻ thêm: Theo các tài liệu cá voi thuộc giống di cư, sống không tập trung mà rải khắp các vùng biển từ Bắc Cực đến Nam Cực thường ở vùng nước sâu ngoài khơi. Tập tính của cá voi có hai loại: một loài có răng như cá nhà táng thì ăn nhai, chúng có thể bắt các loài cá to để ăn, còn một loại thì ăn lọc bằng cách hút hàng khối nước vào thì lọc những sinh vật phù du hoặc tôm tép bơi thành đàn.

Vì vậy không thể lý giải là cá voi vào bờ để tìm kiếm thức ăn vì như cá nhà táng nếu vào bờ thì không có những cá lớn để nó tìm thức ăn, mà cá voi xanh hay cá voi lưng gù ăn kiểu lọc cũng không có nhiều thức ăn trong bờ".

Ông Khánh cũng phủ định ý kiến cho rằng trước trận bão làm thay đổi gió khiến cá mất phương hướng mà dạt vào bờ. 

"Cá voi là loài thú có dung tích phổi rất lớn, vào mưa bão chúng thường lặn sâu để tránh bị sóng va đập. Chúng sống ở đấy và quen với môi trường ở đấy, chúng có cách bảo vệ chúng riêng, tránh xa các vùng sóng to, không có chuyện chúng bị mất phương hướng.

Khi gặp mưa bão, chúng thường tìm những vật lớn để nương tựa, chính vì vậy chúng thường tìm đến những tàu thuyền xa khơi trú để sóng đỡ đánh, điều này cũng giúp nhiều ngư dân thoát nạn, tàu thuyền không bị đắm", ông Khánh phân tích.

Chia sẻ bên lề, ông Khánh cho biết, theo kinh nghiệm của ngư dân những tàu thuyền xa khơi khi gặp từng đàn cá heo nhảy nhiều thì chỉ 2-3 hôm sau thì có thay đổi thời tiết, có sóng to lớn ngay.

Dã Quỳ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news