Vé máy bay có giống hoa Tết chiều 30?
Sau một thời gian dài neo cao, giá vé máy bay bất ngờ giảm mạnh ngay sát dịp lễ 30/4, thậm chí giảm 30 - 40% so với cách nay nhiều tháng, đã gây choáng váng cho các đại lý vé máy bay, các công ty du lịch và những người lỡ ôm vé.
Trước đó, thay vì tập trung phục vụ thị trường nội địa cho kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các hãng bay chỉ cung ứng số lượng vé nhỏ giọt khiến giá vé máy bay bị đẩy lên cao, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng. Nhiều khách hủy phòng, nhiều doanh nghiệp và người dân hoãn kế hoạch đi chơi xa dịp lễ khiến hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng vắng khách. Chỉ đến khi Cục Hàng không yêu cầu, các hãng bay mới tăng chuyến, thêm vé...
Điều này khiến người tiêu dùng cảm thấy khó hiểu. Chị Phạm Thị Thanh Thảo, ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM chỉ ra sai lầm trong chiến lược tăng giá vé máy bay để bù lỗ của các hãng hàng không trong nước: "Tôi thấy các hãng hàng không thấy người dân bắt đầu đi du lịch trở lại sau thời gian dài dịch Covid-19, nên nghĩ rằng có thể tăng giá vé cao để bù lỗ cho thời gian trước. Nhưng đó là một sai lầm”.
Chị Thảo cho rằng, khi tăng giá vé lên quá cao thì khách du lịch có xu hướng chuyển sang du lịch nước ngoài. Lúc đó, ngành hàng không vẫn bị thất thu mà còn kéo theo các ngành lưu trú, dịch vụ ăn uống du lịch, nhà hàng, khách sạn... sụt giảm theo.
“Trong khi đó, Thái Lan lại rất khôn ngoan khi có chiến lược "du lịch giá rẻ" vào thời điểm này để kích cầu. Thiết nghĩ, ngành du lịch Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy để đưa ra hướng đi phù hợp, đúng đắn nhất để giúp phát triển bền vững du lịch trong nước”, chị Thảo so sánh.
Đối với việc giá vé bay tăng cao, các hãng hàng không đã lên tiếng trên báo chí rằng, chi phí đầu vào như giá xăng hay Tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh khiến giá vé máy bay phải tăng theo. Ngoài ra, chuyện cung cầu vào mùa cao điểm cũng khiến các hãng hàng không phải tăng giá vé nhằm giải quyết bài toán Doanh thu. Nói cách khác, các hãng hàng không cũng không có giải pháp nào khác ngoài việc tăng giá vé để bảo đảm sự sống còn của chính mình.
Không đồng tình với lời giải thích này, anh Lê Phi Toàn, ngụ quận 1, Tp.HCM đánh giá, vấn đề nằm ở việc thiếu liên kết trong cách làm du lịch. Hàng không như một mắt xích đồng bộ vận hành trong guồng máy du lịch, mà chỉ cần trục trặc một khúc thôi cũng đủ làm các mắt xích khác chết theo. Phòng ốc, vận tải, dịch vụ, lưu niệm, ăn uống và hàng loạt các thứ khác sẽ bị ảnh hưởng.
“Hiện tại, cách làm của doanh nghiệp hàng không không vì cái chung của ngành, mà chỉ tính toán “chặt khúc” theo nhóm. Khách du lịch không tiếc tiền, nhưng họ rất dị ứng khi biết mình bị thành "con mồi" ở bất cứ khâu nào. Rất chia sẻ với những ai đã đặt vé máy bay từ sớm nhưng đến sát lễ 30/4 thấy người khác có thể mua vé rẻ hơn. Liệu có giống chuyện mua hoa chiều 30 Tết không?”, anh Toàn đặt vấn đề.
Cần giải pháp bình ổn thị trường
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hồ Thanh Tú - Tổng Thư kí Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng ngán ngẩm vì “chưa có năm nào như năm nay”.
Theo ông Tú, thông thường vào dịp này công suất phòng ở Đà Nẵng thường ở mức 90-100% công suất phòng, đặc biệt năm 2022 tỉ lệ lấp đầy rất cao. Những năm trước dịch cũng luôn trong tình trạng hết phòng. Tuy nhiên, đến hiện tại nhiều phòng khách sạn ở Đà Nẵng có tỉ lệ trống nhiều.
Ông Tú cho biết, năm ngoái du lịch bùng nổ khi nhu cầu tăng cao sau thời gian hạn chế vì Covid-19. Cùng với đó, giá cả cung ứng dịch vụ vẫn ở mức phù hợp.
“Năm 2023 thì khác, giá cả dịch vụ lên rất nhiều. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là vé máy bay, giá tăng 70-100% so với năm ngoái. Năm ngoái, du khách đoàn đi tháng 4, tháng 5 vẫn có vé 2 triệu đồng trở xuống, năm nay toàn 3-4 triệu đồng với những đường bay thông thường”, ông Tú dẫn chứng.
Gần đây giá vé "hạ nhiệt" sau khi hàng không cung ứng thêm lượng lớn vé. Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, việc giảm cận ngày như vậy cũng chỉ “gỡ gạc” phần nào cho ngành du lịch, bởi vì đa số du khách đều có kế hoạch từ sớm với các kỳ nghỉ dài.
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt cho biết, mặc dù giá vé máy bay là vấn đề chiến lược của từng hãng hàng không dựa trên cung - cầu. Tuy nhiên, hàng không và du lịch vốn quan hệ mật thiết với nhau, cho nên để cả hai cùng thắng thì cần ngồi lại với nhau, có những hợp tác, chia sẻ, phối hợp với nhau tốt hơn.
“Đợt tăng cao rồi giảm mạnh vừa rồi khiến nhiều khách du lịch cũng mất niềm tin. Đáng nhẽ mua trước thì giá rẻ nhưng lại thành đắt hơn những người mua cận ngày”, ông Mỹ nói.
Tại hội thảo Hợp tác hàng không- du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế ở Khánh Hòa ngày 25/4, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại. Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành.
Về giải pháp để kích cầu du lịch nội địa, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng ngoài những yếu tố căn cơ như triển khai các chương trình xúc tiến thì cần có những giải pháp tăng tính liên kết, phối hợp giữa ngành hàng không với du lịch, và nội bộ ngành du lịch với nhau.
Các hãng bay cũng cần có giải pháp, chiến lược điều chỉnh giá vé phù hợp hướng tới mục tiêu phát triển chung. Thậm chí có ý kiến cho rằng, cần có Chính sách quản lý giá bởi nếu cứ tiếp diễn tình trạng tăng cao như vừa qua e rằng du lịch nội địa mùa cao điểm hè sẽ tái diễn khó khăn.