Tin mới

Vì sao tập đoàn của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm khiếu nại Tòa án Ba Đình?

Thứ sáu, 12/10/2018, 17:26 (GMT+7)

Tập đoàn Đại Dương vừa công bố thông tin về việc đang làm thủ tục khiếu nại đến Tòa án nhân dân quận Ba Đình sau khi Tòa này áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm Ocean Group thực hiện nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2018.

Tập đoàn Đại Dương vừa công bố thông tin về việc đang làm thủ tục khiếu nại đến Tòa án nhân dân quận Ba Đình sau khi Tòa này áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm Ocean Group thực hiện nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 2018.

Công ty riêng của ông Hà Văn Thắm khởi kiện, tập đoàn Đại Dương khiếu nại

Cụ thể, Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã CK: OGC) – bà Nguyễn Thị Dung cho biết: ngày 10/10, OGC nhận được quyết định đề ngày 3/10 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) “Cấm thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 số 02/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/8/2018 của công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương cho đến khi có quyết định khác theo quy định của pháp luật”.

Bị truất quyền cổ đông, DNTN Hà Bảo của ông Hà Văn Thắm (ảnh) yêu cầu TAND quận Ba Đình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thực hiện Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2018 của tập đoàn Đại Dương

Về vấn đề này, bà Dung cho hay, OGC đang làm thủ tục khiếu nại, yêu cầu hủy bỏ quyết định áp dụng BPKCTT này vì lý do: Người yêu cầu áp dụng BPKCTT không có quyền yêu cầu, thủ tục ra yêu cầu áp dụng BPKCTT sai quy định của pháp luật, việc quyết định cho áp dụng BPKCTT là không có cơ sở và không cần thiết.

Trước đó, ngày 3/10, Tòa án nhân dân (TAND) quận Ba Đình ra quyết định áp dụng BPKCTT như trên đối với OGC. Cụ thể, theo TAND quận Ba Đình, quyết định này được áp dụng sau khi có đơn yêu cầu của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hà Bảo (trụ sở ở 111 Phố Huế, Hà Nội) – là doanh nghiệp của cựu Chủ tịch OGC – ông Hà Văn Thắm.

DNTN Hà Bảo đã khởi kiện công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương ra TAND quận Ba Đình, yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết số 02/2018/NQ-ĐHĐCĐ vì nó được ban hành trái pháp luật và điều lệ công ty. Trình tự và thủ tục tiến hành họp, ra nghị quyết của ĐHĐCĐ không thực hiện đúng theo quy định của luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty, vi phạm hình thức biểu quyết dẫn đến sai lệch kết quả biểu quyết.

Theo TAND quận Ba Đình, cần thiết phải tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018 của OGC vì việc thực hiện nghị quyết này sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong vụ kiện Tòa án đang giải quyết.

Bị truất quyền cổ đông, công ty của ông Hà Văn Thắm phản pháo

Ngày 14/8/2018, OGC nhận được quyết định của cục Thi hành án dân sự về việc kê biên, xử lý tài sản của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm.

Theo đó, tài sản bị kê biên, xử lý gồm gần 79 triệu cổ phiếu OGC đứng tên DNTN Hà Bảo (do Hà Văn Thắm làm chủ doanh nghiệp) tại công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (chiếm khoảng 28% vốn điều lệ của OGC) cùng hơn 3,3 triệu cổ phiếu OGC đứng tên Hà Văn Thắm.

Cục Thi hành án dân sự cũng có công văn hướng dẫn việc kê biên, xử lý tài sản nói trên gửi OGC. Công văn nêu rõ: “Tài sản đã bị kê biên, xử lý để thi hành án đảm bảo cho nghĩa vụ của Hà Văn Thắm đối với Nhà nước. Vì vậy Hà Văn Thắm và DNTN Hà Bảo không được sử dụng các tài sản này để tham gia thỏa thuận dưới bất cứ hình thức nào,…”.

Như vậy là đối với lượng cổ phiếu nói trên, ông Hà Văn Thắm và DNTN Hà Bảo không có quyền sở hữu, chuyển nhượng, định đoạt hay các quyền phát sinh từ quyền sở hữu như biểu quyết, ứng cử, đề cử…

Quyết định nói trên có hiệu lực từ thời điểm bản án có hiệu lực cho đến khi ông Hà Văn Thắm thực hiện xong nghĩa vụ về thi hành án.

Sáng 15/8/2018, OGC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. Phiên họp nóng ngay từ phút đầu khi ban chủ tọa công bố văn bản từ cơ quan chức năng về việc truất quyền cổ đông của DNTN Hà Bảo và nguyên Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm vì đang vướng vòng lao lý.

Đại diện của Hà Bảo có ý kiến, xin được dẫn chiếu điều luật về kê biên tài sản để bảo vệ quyền lợi cổ đông của mình nhưng không được cổ đông và Chủ tịch HĐQT đương nhiệm, ông Lê Quang Thụ chấp thuận.

Theo ông Thụ, quyền cổ đông của Hà Bảo và ông Thắm đã được quyết định trong văn bản từ cục Thi hành án. Nếu có kiến nghị, đại diện các cổ đông này cần đưa ra Tòa án và đại hội lần này không có thẩm quyền giải quyết vấn đề trên.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ thường niên 2018 của OGC đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của ông Hà Trọng Nam – em trai ông Hà Văn Thắm và bầu bổ sung thành viên HĐQT khác, theo đề nghị của nhóm cổ đông đến từ ngân hàng TMCP Nam Á đang nắm giữ hơn 5% vốn điều lệ của OGC.

Kết thúc phiên họp, tất cả các đề cử đều được thông qua. Theo đó, HĐQT OGC có thêm hai thành viên mới là ông Nguyễn Thành Trung và ông Nguyễn Giang Nam. Ban Kiểm soát công ty này cũng có thêm một thành viên là ông Nguyễn Thanh Tùng.

Nghị quyết Đại hội cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu Doanh thu gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 23% so với năm trước, với lãi ròng 188 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau đó hơn 1 tháng, vào cuối tháng 9/2018, HĐQT tập đoàn này đã phải công bố nghị quyết điều chỉnh giảm khoảng 70% kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2018.

Cụ thể, tổng doanh thu/lợi nhuận hợp nhất giảm từ 1.393 tỷ đồng xuống còn 1.172 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 16%, lợi nhuận sau thuế cũng được điều chỉnh giảm sâu, từ 186 tỷ đồng mục tiêu đặt ra từ đầu năm, giảm còn 58 tỷ đồng.

Dấu ấn ông Hà Văn Thắm tại Ocean Group

Ocean Group được ông Hà Văn Thắm thành lập vào tháng 5/2007, hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán,bất động sản và kinh doanh khách sạn. Tập đoàn này nhanh chóng có những bước phát triển vượt bậc vào các năm sau đó, mà trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam ít có doanh nghiệp nào sánh kịp.

Tuy nhiên việc phát triển quá nóng trong khi năng lực quản trị, điều hành không đáp ứng được, cùng các nguyên nhân khách quan đã sớm đẩy Ocean Group cùng ông Hà Văn Thắm vào bước đường khó khăn.

Sự kiện ông Hà Văn Thắm bị bắt và khởi tố bởi sai phạm trong quá trình quản lý Ocean Bank không chỉ đẩy vị lãnh đạo cao nhất của Ocean Group vướng vào vòng lao lý, mà còn khiến doanh nghiệp này mất trắng hơn 1.200 tỷ đồng đầu tư vào Ocean Bank sau khi ngân hàng Nhà nước mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng.

Ngoài ra, Ocean Group trong năm này cũng đã phải trích lập tới gần 1.200 tỷ đồng dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, tăng 100 lần so với năm 2013. Những diễn biến dồn dập này khiến Ocean Group lỗ tới 2.548 tỷ đồng trong năm 2014, đánh “quỵ” tập đoàn này.

Ngày 4/5/2018, phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Hà Văn Thắm kết thúc. Ông Thắm nhận án tù chung thân vì 4 tội danh: Cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Cho đến nay, những di chứng trong thời kỳ điều hành yếu kém của ông Hà Văn Thắm tại Ocean Group vẫn còn rất rõ ràng. Các khoản phải thu/ cho vay không kiểm soát khiến Ocean Group hàng năm vẫn phải bỏ ra nhiều trăm tỷ trích lập dự phòng.

Minh Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news