Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, việc lễ bái của Vụ trưởng Tác như trong clip tạo nên tấm gương xấu cho cộng đồng xã hội.
Liên quan đến clip "tố" ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) hầu đồng, trao đổi với phóng viên sáng nay (13/10), Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng trong clip chỉ phản ánh một phần lễ cúng. Thường một lễ như thế này, với đồ cúng rất hoành tráng, người ta thường cúng cả buổi nên phải xem hết thì mới khẳng định là có hầu đồng hay không. Còn khái niệm "lễ cầu an" là mù mờ về nội hàm, vì tất cả các lễ cúng tế, hầu đồng thì đều có một nội dung trước hết là cầu an.
"Trong đoạn clip đó ta thấy xuất hiện các nhân vật: tín chủ, thầy cúng, nhà sư, giúp việc tế và các cử toạ liên quan. Nội dung clip xem được là:
- Bài cúng phổ độ gia tiên mà mục đích là cầu siêu cho các thế hệ tiền bối trong nhà, trong họ đã mất, được siêu thoát về cõi tịnh độ, thoát những tội lỗi kiếp trước do nghiệp báo gây ra. Trong tín ngưỡng Phật giáo, lễ này thường tiến hành vào tháng Bảy âm lịch, còn gọi là lễ cầu siêu.
-Bài cúng di cung hoán số mà mục đích là thay đổi cung xấu, số xấu để chuyển sang số tốt, cung tốt để phát đạt nhiều đường: sức khoẻ, tài lộc, phúc đức, thăng tiến ...
-Hành động của nhà sư múa nghi lễ sái tịnh đàn tràng, đây là lễ nhà Phật để làm trong sạch đàn tràng, vật cúng tế và không gian cúng tế.
-Tín chủ mặc áo gấm vàng và hành lễ sau thầy cúng. Vai ông Tác là vai của tín chủ.
Lễ ở đền mang tính tích hợp, có yếu tố Phật giáo, có yếu tố Đạo giáo", ông Vĩ phân tích và nhận định "vậy, ở đây chưa thấy lễ hầu đồng, không biết phần sau có quay video không?".
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Hùng Vĩ, hành vi như "di cung hoán số" trong clip là hoạt động mê tín so với tư tưởng khoa học mà đang là tôn chỉ tư tưởng của Đảng ta. |
Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa này, phân biệt yếu tố tôn giáo và yếu tố mê tín dị đoan là rất tương đối. Mê tín là tin vào những điều được coi là mù mờ mê muội. Tôn giáo này thường coi tín ngưỡng tôn giáo kia là mê tín. Dị đoan là khác mối, khác nguồn gốc. Tôn giáo này thường coi tín ngưỡng tôn giáo kia là dị đoan. Khoa học phát hiện vô số mê tín dị đoan trong tín ngưỡng các tôn giáo, đồng thời cũng thừa nhận tác dụng của tôn giáo trong lịch sử nhân loại, đặc biệt thời kì khoa học chưa phát triển. Nhưng lịch sử của khoa học luôn luôn là lí giải các mê tín dị đoan để vượt qua nó. Đảng ta là một Đảng với tôn chỉ tư tưởng là hướng đến khoa học để xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đảng viên thấm nhuần tư tưởng đó hơn ai hết.
"Trong điều 18 Quy định số 47-QĐ/TƯ ghi rõ: "Mê tín, hoạt động mê tín". Ở đây, ta thấy rõ những hành vi như "di cung hoán số" là hoạt động mê tín so với tư tưởng khoa học mà đang là tôn chỉ tư tưởng của Đảng ta. Đang là như vậy chứ không thể khác. Chưa có chỉ thị, chủ trương, nghiên cứu nào của Đảng Cộng Sản Việt Nam chứng minh "lễ di cung hoán số" là không phải mê tín cả. Không nên xoá nhoà nó bằng điều luật " tự do tín ngưỡng". Đó là luật định cho đối tượng là mọi công dân Việt Nam. Còn công dân đó là Đảng viên Đảng Cộng Sản thì phải tuân thủ Quy định của Đảng. Điều này ai cũng biết. Nếu không anh hãy xin ra khỏi đảng", ông Vĩ nhận định.
Từ những phân tích trên, ông Vĩ cho rằng, một Đảng viên thì phải thực hành những Quy định của Đảng. Việc làm này (việc lễ bái như clip ghi nhận - PV) của Đảng viên tạo nên tấm gương xấu cho cộng đồng xã hội.
"Một xã hội mà tình trạng cầu cúng lan tràn, khoa học không coi trọng thì bao giờ sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn được. Trong sự tôn trọng tín ngưỡng, tôi luôn luôn phản đối Đảng viên đi cúng bái tốn kém làm dân lành học theo, bán lợn bán trâu, bán xe bán vườn đua nhau cầu cúng lễ lạt", ông Vĩ nói thêm.
H.Minh