Mãi đến khi tình trạng viêm phổi của bé ngày càng nặng, cha mẹ đưa đến bệnh viện khám mới tá hỏa khi biết thứ nằm trong người con trai.
Đó là trường hợp của bé T.G.B (4 tuổi, quê Đắk Lắk). Trước đó, B. bị viêm phổi tái đi tái lại, đã điều trị tại nhiều phòng khám tư nhân nhưng không khỏi. Tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk, bé được chẩn đoán viêm phổi, có dị vật đường thở, tình trạng ngày càng nặng nên được chuyển đến BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM).
Tại đây sau khi điều trị cho bệnh nhi ổn định, các bác sĩ tại khoa Hô hấp phối hợp với các ekip chuyên khoa Tai - Mũi - Họng tiến hành nội soi, gắp được dị vật là một đầu đạn bi của súng hơi ra khỏi phế quản đứa trẻ. Lúc này, người nhà bệnh nhi mới nhớ lại trước đó khoảng một tháng bé B. hay chơi đạn bi súng hơi và có thể đã bị sặc.
Bé B. tại BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM).
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1 BV Nhi Đồng 2 cho biết ca nội soi lấy dị vật tiến hành gần 3 giờ. Sau khi dị vật được lấy ra, sức khỏe bé dần ổn định.
Theo bác sĩ, không chỉ riêng những loại trái cây mà tất cả đồ vật có thể đứt ra, rời ra đều có thể trở thành dị vật trẻ cho vào miệng được như cúc quần áo, trang sức. Khi bị hóc dị vật trẻ sẽ có biểu hiện tức thì. Bên cạnh đó, có những loại dị vật trở thành dị vật bỏ quên. Trẻ sẽ chỉ đơn thuần đến BV vì những bệnh cảnh như khò khè, viêm phổi nhiều lần. Tình huống này cũng gây khó khăn trong việc chẩn đoán.
Hình ảnh ca nội soi lấy dị vật.
Đầu viên đạn súng hơi được lấy ra.
"Thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Vì vậy người lớn cần biết cấp cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà. Ngoài ra, trong chương trình của học đường cũng nên hướng dẫn cho trẻ những cách đối phó với tình huống khẩn cấp" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.