Thông tin Việt Nam vượt qua Mỹ, Úc... xếp thứ 12 về chất lượng giáo dục khiến các chuyên gia bất ngờ và cũng không khỏi nghi ngờ.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố bảng xếp hạng chất lượng Giáo dục toàn cầu. Quy mô bảng đánh giá lần này được mở rộng ra 76 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 1/3 các nước trên thế giới.
Theo kết quả đánh giá, những quốc gia đứng đầu bảng là Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan. Việt Nam được OECD đánh giá ở thứ hạng 12.
Trong khi đó, một số quốc gia được đánh giá có nền giáo dục tốt nhất thế giới lại có thứ hạng kém trong bảng xếp hạng này. Trong đó, Anh đứng thứ 20, Pháp thứ 23, Mỹ thứ 28 và Thụy Điển chỉ xếp thứ 35. Thậm chí, Úc cũng vẫn xếp sau Việt Nam khi đứng ở thứ 14.
Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu. |
Trước thông tin này, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch hội đồng quản trị trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) tỏ ra vô cùng ngạc nhiên.
Theo PGS Văn Như Cương, bảng xếp hạng do OECD đưa ra chỉ là cuộc xếp hạng giáo dục cho khối học sinh ở độ tuổi 15, dựa trên kết quả các kỳ thi toán và khoa học trên cùng một tiêu chí, cùng một thang điểm so sánh.
"Tuy nhiên, các tiêu chí mà tổ chức này đánh giá, tôi thấy thực sự chưa rõ ràng, cụ thể, đây chỉ là tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học ở độ tuổi 15 mà gọi là "xếp hạng giáo dục toàn cầu" thì thực sự chưa chính xác", PGS Cương phân tích.
Cũng theo vị Chủ tịch hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh, nếu xét một cách toàn diện nền giáo dục thì phải xem xét nền giáo dục đó góp phần như thế nào cho sự phát triển của đất nước.
"Đánh giá toàn diện nền giáo dục phải căn cứ xem nền giáo dục đó góp phần thế nào cho sự tăng trưởng GDP. Cụ thể, nếu không có nền giáo dục đó thì GDP thấp như thế nào, và nếu có nền giáo dục đó phát triển thì GDP tăng như thế nào? Đó chính là đánh giá toàn diện cho một nện giáo dục", PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Thầy Cương phân tích thêm, nếu dựa vào bảng xếp hạng do OECD công bố, Việt Nam xếp thứ 12 toàn cầu, thì liệu có nên đổi mới nền giáo dục không?
"Tốn hàng nghìn tỉ đồng để đối mới mà không may lại tụt hạng xuống bằng Mỹ thì buồn quá", PGS Cương tếu táo nói.
Đón nhận thông tin này, GS Nguyễn Văn Tuấn, hiện đang giảng dạy tại Đại học New South Wales, Úc cũng tỏ ra vô cùng bất ngờ.
"Việt Nam xếp hạng 12 trên thế giới về chất lượng giáo dục có lẽ là một "liều thuốc an thần" cho rất nhiều người trong ngành giáo dục", GS Tuấn chia sẻ trên trang Blog cá nhân.
GS Tuấn cho rằng, tiêu chí và cách thu thập số liệu của OECD là thiếu tính thuyết phục, cách thực hiện thống kê chỉ ở dạng “thực tập” chứ chưa thể có sự chuẩn mực khả tín.
Theo GS Tuấn, đánh giá và xếp hạng một nền giáo dục phải đánh giá ở tất cả các cấp học, từ tiểu học đến trung học, chứ không thể dựa vào kết quả kiểm tra môn toán và khoa học.
"Một nền giáo dục đâu thể nào đánh giá qua chỉ 2 điểm toán và khoa học của một nhóm học sinh 15 tuổi và chỉ của một năm học. Thật là ngớ ngẩn đến khó tin", GS Tuấn nhấn mạnh.
Ông cũng khuyên báo chí và các nhà quản lý giáo dục trong nước đừng quá hào hứng với bảng xếp hạng này.
Tâm An