Trong năm 2015, VNA có kế hoạch gửi đào tạo chuyển loại 62 phi công (31 tổ bay) A350 và 84 phi công (42 tổ bay) B787 với kinh phí dự kiến vài trăm tỷ đồng.
Như vậy, sau khi chi số tiền lớn mua 2 máy bay thế hệ mới Airbus A350XWB-900 và Boeing 787-9, Vietnam Airlines phải tốn vài trăm tỷ đồng để đào tạo phi công vận hành.
Theo thông tin trên báo Người lao động, Ông Phan Xuân Đức, Phó Tổng Giám đốc VNA cho biết, không như các đợt chuyển loại khác, trong đợt tiếp nhận cùng lúc 2 máy bay thế hệ mới lần này, các phi công của hãng tỏ ra hào hứng trước sự hấp dẫn của siêu máy bay có nhiều cải tiến lớn về động cơ, tiện ích hành khách và sử dụng vật liệu hoàn toàn mới phù hợp những tiêu chí hiện đại nhất.
"Việc tuyển chọn phi công đưa đi đào tạo chuyển loại đợt đầu tiên này được VNA thực hiện hết sức kỹ lưỡng. Quy chuẩn tuyển chọn phi công chuyển loại có 3 yêu cầu. Một là trình độ, kinh nghiệm phải đủ 10.000 giờ bay đối với cơ trưởng và 2.000 giờ bay đối với lái phụ.
Hai là trong quá trình bay không có vi phạm về an toàn, kỷ luật của người lái, như vượt tốc độ cho phép, thao tác không đúng quy trình... Ba là ưu tiên những phi công được đánh giá có trình độ tốt hơn so với người cùng khóa đào tạo." - ông Đức cho hay.
Vietnam Airlines đổ tiền tấn đào tạo phi công lái máy bay đời mới (Ảnh minh họa) |
Theo lời ông Đức, khi đã đủ tiêu chuẩn, đa số người lái muốn chuyển lên máy bay lớn để tăng thu nhập. Đặc biệt, khi chuyển loại lên A350 và B787, không chỉ lái máy bay mới xuất xưởng, phi công còn được tiếp xúc với công nghệ máy bay mới, lái nhàn hơn mà thu nhập lại cao hơn cả chục triệu đồng mỗi tháng.
Được biết, để vận hành 2 loại "siêu" máy bay mà Vietnam Airlines vừa và sắp nhận về là Airbus A350 XWB và Boeing B787-9, hãng gửi đào tạo chuyển loại tổng cộng 146 phi công với kinh phí dự kiến vài trăm tỉ đồng.
VNA cho biết trong đợt chuyển loại lên A350 có các phi công đang lái A350, A321 với thời gian huấn luyện tương ứng là 15 - 17 ngày và 21-23 ngày. Còn đối với phi công chưa có kinh nghiệm khai thác dòng máy bay Airbus thì bắt buộc phải qua khóa học chuyển loại toàn phần trên 30 ngày với kinh phí khủng là 925 triệu đồng/phi công (chưa tính chi phí đi lại, ăn ở). Còn đối với phi công A330 và A321, kinh phí đào tạo tương ứng là 408 triệu đồng và 617 triệu đồng/phi công cho mỗi khóa học trong thời gian nói trên.
Đối với dòng máy bay B787-9, kinh phí đào tạo cũng không thấp hơn. Cụ thể, phi công B777 cần phải học khóa chuyển loại rút gọn trong vòng 22 ngày với kinh phí đào tạo 625 triệu đồng/phi công. Riêng phi công phải chuyển loại toàn phần có mức kinh phí đào tạo 878 triệu đồng/người trong vòng 35 ngày.
Đại diện hãng cho hay, trong đợt chuyển loại đầu tiên, chỉ có 82 phi công được gửi đi đào tạo tại Trung tâm Đào tạo của Airbus (Toulouse - Pháp) và Trung tâm Đào tạo của Boeing ở Singapore.
Phong Vân (Tổng hợp)