VKS cho rằng, việc bị cáo Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh đều được cất nhắc và bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng và PVC không có khả năng nhưng bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ định rồi cấp tiền tạm ứng tiền để các bị cáo trên sử dụng trái mục đích. Đó chính là lợi ích nhóm!
Báo Tuổi trẻ, VnExpress đưa tin, sáng 15/1, phiên tòa xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN sáng 15-1 bước vào phần tranhluận. Sau khi lắng nghe bào chữa của các luật sư và bị cáo, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đưa quan điểm đối đáp.
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng bị cáo Đinh La Thăng đã lợi dụng vị trí là người có trách nhiệm cao nhất của tập đoàn, mặc dù biết rõ PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm, nhưng để giúp cho PVC, bị cáo đã lấy lý do sức ép về tiến độ, chủ động đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trái với Nghị quyết của hội đồng thành viên PVN.
Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN |
Bị cáo còn chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA căn cứ hợp đồng này tạm ứng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên tổng giám đốc PVC và đồng phạm tại PVC sử dụng không đúng mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước.
Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại rất lớn về mặt kinh tế cũng như xã hội.
Theo đại điện VKS, không những bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt từ Tập đoàn tới các đơn vị thành viên của PVN bị xử lý, đau xót hơn cả là trong đó có nhiều người xuất sắc, nhiều người đã từng là những nhà khoa học trong ngành dầu khí; nhiều người cũng vì đây mà tha hóa, biến chất như Trịnh Xuân Thanh là một điển hình.
Trong những phần bào chữa trước đó, các luật sư biện hộ đã yêu cầu VKS trả lời rằng có lợi ích nhóm hay không?
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội tại phiên tòa. Ảnh: Tuổi trẻ |
Về nhận định này, VKS cho rằng, hai bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận đều được ông Đinh La Thăng cất nhắc về PVC. Xuất phát từ mối quan hệ cá nhân, ông Thăng đã ưu ái bỏ qua quy định pháp luật để chỉ định thầu cho PVC, sau đó chỉ đạo ký hợp đồng, tạm ứng tới hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng, trong khi PVC không có khả năng.
"Điều đó đã thể hiện rõ mối quan hệ lợi ích nhóm", công tố viên kết luận.
Về lời bào chữa của ông Thăng nói "không chỉ đạo, không biết về hợp đồng 33" và đề nghị được xem xét tội cố ý làm trái, VKS đối đáp rằng PVN là tập đoàn nhà nước, tài sản dù là nhỏ nhất cũng được "nhân dân giao phó quản lý" nhưng ông Thăng đã làm trái các quy định để dẫn đến gây thiệt hại. VKS khẳng định ông Thăng ngay từ đầu đã nhắm tới PVC là tổng thầu của dự án và dùng quyền để làm việc này, dù không có căn cứ để giao việc này cho PVC.
Hiện VKS vẫn đang tiếp tục phần đối đáp.
Lê Huyền (tổng hợp)