Tin mới

VNEN "thất bại" là bài học của cải cách giáo dục

Thứ tư, 01/11/2017, 10:04 (GMT+7)

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: "Lùi lại thời gian thực hiện chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới để làm sáng tỏ những điều chưa rõ ràng là tốt. Bởi việc này giúp chuẩn bị tốt khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tránh thất bại như mô hình trường học mới VNEN".

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: "Lùi lại thời gian thực hiện chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới để làm sáng tỏ những điều chưa rõ ràng là tốt. Bởi việc này giúp chuẩn bị tốt khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tránh thất bại như mô hình trường học mới VNEN".

Theo chương trình làm việc, chiều 2/11, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xung quanh vấn đề này.

Xã hội - VNEN 'thất bại' là bài học của cải cách giáo dục

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. (Ảnh: Xuân Trung).


PV: Ông có suy nghĩ như thế nào trước việc bộ GD&ĐT sẽ lùi thời hạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Vừa qua, bộ GD&ĐT xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia. Tôi cũng tán thành vấn đề này. Tuy nhiên còn một số điều tôi thực sự chưa hài lòng như việc phân luồng từ THCS lên THPT chưa rõ ràng.

Để việc phân luồng, khi học hết THCS, học sinh phải được phân ra một luồng để tiếp tục đào tạo lên, một luồng khác đào tạo theo hướng dạy nghề, ứng dụng thực hành. Luồng thứ ba, học sinh sau khi học xong có thể ra cuộc sống lao động mà vẫn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Nếu lùi lại thời gian để làm sáng tỏ những điều này, tôi nghĩ cũng tốt. Nhưng phải chuẩn bị tốt khâu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vì đây là khâu rất quan trọng.

PV: Vậy theo ông, bộ GD&ĐT sẽ phải có những cam kết như thế nào trước Quốc hội và nếu như không đảm bảo thực hiện sau thời gian lùi lại đó thì trách nhiệm của Bộ này sẽ như thế nào?

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ: Là một người làm lãnh đạo, lời nói phải có trọng lượng, nói được, phải thực hiện được. Vì vậy, khi lãnh đạo hứa đồng thời phải đưa ra được những giải pháp thực hiện được. Bất kỳ lãnh đạo ở ngành nào, nếu họ không thực hiện được những gì họ đã nói thì không thể đứng mãi ở vị trí đó.

Để đảm bảo đúng tiến độ sẽ bắt đầu áp dụng chương trình mới theo thời hạn lùi, tốt nhất Bộ nên có báo cáo thường xuyên với Chính phủ, khoảng 3 tháng/lần về quá trình thực hiện ra sao, có những vướng mắc gì. Chính phủ cũng phải giám sát thật chặt vấn đề này để việc thực hiện được chuẩn, chỉnh.

PV: Theo kinh nghiệm của ông, bộ GD&ĐT sẽ phải làm gì để không đi vào những “vết xe đổ” như một số cải cách trước đó?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Cải cách giáo dục trong thời gian gần đây cũng có những thất bại, VNEN là một điển hình.

Chúng ta học hỏi những điều hay, điều tốt đẹp nhưng nhất định phải thận trọng để tìm ra cách thức phù hợp khi áp dụng vào Việt Nam. Ví dụ trong mô hình giáo dục VNEN, chúng ta muốn chia học sinh thành các nhóm, nhận xét từng học sinh một. Nhưng lớp học 50-60 học sinh, làm sao chúng ta có thể dạy theo nhóm được?

Tôi được biết mô hình giáo dục ở Singapore, phòng học rộng hàng trăm m2, có 25-30 học sinh, nên khi đang học, giáo viên bảo chuyển sang học nhóm, chỉ cần 1 phút là có thể kê bàn ghế thành từng nhóm một cách nhanh chóng. Trong lúc ở Việt Nam, mỗi lớp 50-60 học sinh, mỗi bàn 4-5 cháu, bàn của học sinh ngồi học gắn liền với ghế, làm sao kê lại một cách dễ dàng.

Chính những điều ấy khiến mô hình VNEN không phù hợp ở Việt Nam. Không phù hợp chúng ta gọi là thất bại.

Trong giáo dục có rất nhiều bài học để chúng ta có thể rút kinh nghiệm. Trước đây, khi các trường cấp 1, cấp 2 đang học rất yên ổn, bộ GD&ĐT yêu cầu sáp nhập lại. Tuy nhiên, khi sáp nhập chưa nghiên cứu kỹ nên lại chia ra. Việc cải tổ chưa thấy tiến bộ mà chỉ thấy chất lượng giáo dục đi xuống.

Cụ thể, giáo dục ở Việt Nam trước đây, trường lớp có ít nên học sinh cấp 1 học buổi sáng, học sinh cấp 2 học buổi chiều hoặc ngược lại. Tuy nhiên, hai lứa tuổi này phù hợp với những loại bàn ghế có chiều cao khác nhau. Vậy việc học chung lớp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

Bài học ấy chúng ta học tập nền giáo dục của nước Đức. Nhưng họ xây dựng trường cấp 1 riêng, cấp 2 riêng nhưng họ quản lý chung. Chúng ta học tập họ nhưng chưa kiểm tra thấu đáo khiến việc áp dụng không hợp lý.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news