Tin mới

Vợ bệnh nhân ung thư khóc nức nở khi hỏi về “quyền được chết"

Thứ sáu, 24/04/2015, 07:17 (GMT+7)

Khảo sát trên 20 người bệnh ung thư, hầu hết đều ủng hộ việc đưa “quyền được chết” vào luật. Người nhà bệnh nhân thì không kìm nổi nước mắt.

Khảo sát trên 20 người bệnh ung thư, hầu hết đều ủng hộ việc đưa “quyền được chết” vào luật. Người nhà bệnh nhân thì không kìm nổi nước mắt.

Tranh cãi nảy lửa?

Liên quan đến đề xuất “Quyền được chết” vừa được TS.Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tiếp tục đề xuất bổ vào Luật Dân sự. Sau đề xuất, nhiều luồng ý kiến tranh cãi được đưa ra giữa ủng hộ và không, thậm chí vấp phải không ít phản đối gay gắt cho rằng quyền này là trái đạo đức. 

Trên trang của Bộ Trưởng Bộ Y tế, một bạn đọc sau khi hay đề xuất không ngần ngại chia sẻ: Thầy thuốc phải cứu người đến cùng, đau cùng nỗi đau người bệnh. Nếu đau thì tiêm giảm đau! Hãy đừng nghĩ là tiêm cho người ta chết nhanh! Người ta luôn mong muốn được sống dù chỉ còn 1/1000 tia hy vọng! Hãy tin thế! 

Thậm chí người ta còn mong khỏi bệnh dù rất hão huyền! Bạn đã phải ngồi vật vã cùng người thân ruột thịt bị ung thư giai đoạn cuối và ôm xác người thân mình vẫn không thể tin và mong... gì không! Đừng để người ta chết vì sự thất vọng trước khi chết vì bệnh tật mà sự thất vọng đó lại do chính những người gối đầu lên lời thề.. cứu người mang lại!

Vợ bệnh nhân ung thư khóc nức nở khi hỏi về “quyền được chết

Khu vực khám của Bệnh viện K (Hà Nội) - (Ảnh: Nhất Nam)

Một sinh viên học y thì cho rằng, khi đi học được hầy giáo nói: Đối với bệnh nhân thì còn nước còn tát. Tim đã ngừng đập rồi nhưng vẫn phải thực hiện thao tác cấp cứu 20 - 30 phút để tìm chút hi vọng. Vì vậy khi hay "Quyền được chết”, người này không khỏi đặt dấu hỏi(?!) 

Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến phản đối, cũng có không ít ý kiến đồng tình và cho rằng, nên có một cái chết nhân đạo để giải thoát nỗi đau đớn cho bệnh nhân. Tuy vậy cũng cần phải nghiên cứu thật kỹ và chặt chẽ để không có điều đáng tiếc xảy ra. 

Một độc giả chia sẻ: Hãy tôn trọng quyền tự quyết của họ... Nếu quyền đó giúp họ ra đi thanh thản và không bị hành hạ bởi những cơn đau.. Độc giả Thanh Loan thì lo lắng: Liệu rằng khi đưa vào áp dụng người ta có lạm dụng quyền này không? 

Bênh nhân ung thư ủng hộ

Chiều 22/4, phóng viên Người đưa tin có cuộc khảo sát, tiếp xúc với 20 bệnh nhân tại Bệnh viện K (Hà Nội). 

Hầu hết được hỏi có ủng hộ khi quyền này được đưa vào thực tiễn các bệnh nhân đều cho biết rất đồng tình. 

Bác Nguyễn Đức Cường (57 tuổi, quê Nam Định) mắc bệnh ung thư phổi cho biết, bị mắc bệnh đã hơn 1 năm và phải trải qua các đợt truyền hóa chất. Trước khi vào viện K bác Cường đã điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau.

Nhớ lại lúc biết tin mình mắc căn bệnh quái ác, bác Cường cho biết, bản thân và gia đình rất suy sụp: “Ngay khi biết tin thì người nhà đã bàn việc tang lễ rồi” – Bệnh nhân Cường nói. 

Tuy nhiên, đến hiện tại bác Cường cho hay tự tin và coi thường cái chết bởi theo bệnh nhân này đã là bệnh ung thư thì không thể nào chữa được mà chẳng qua dùng hóa chất để kéo dài sự sống.

Vợ bệnh nhân ung thư khóc nức nở khi hỏi về “quyền được chết

Ông A. bị ung thư phổi cùng vợ đang điều trị tại bệnh viện K.

Đề cập đến “quyền được chết” và việc sẽ được giúp có cái chết êm ái, bệnh nhân Cường nói hoàn toàn ủng hộ: “Tôi nhất trí hoàn toàn và cho rằng như thế là rất nhân đạo, bởi như thế những người như chúng tôi không phải chịu đau đớn về thể xác” – Lời bệnh nhân Cường. 

Tuy nhiên, bệnh nhân này cũng cho rằng, nếu có quyền này sẽ thi hành vào lúc bản thân cảm thấy không gượng được nữa. 

Cùng câu hỏi trên bệnh nhân tên Ngọc cũng bị ung thư phổi vừa phát hiện cho biết: Hoàn toàn ủng hộ nhưng sẽ áp dụng khi đến một mức nào đó. 

Ông Ngọc chia sẻ, nếu được áp dụng luật này sẽ không ảnh hưởng đến bản thân bởi hiện tại phía sau là gia đình đang động viên, vì vậy ông rất tự tin để sống. 

Tuy nhiên, cùng câu hỏi trên với người nhà ông Ngọc thì vợ ông khóc lóc cho biết, khi bị bệnh chồng bà đã không muốn đi chữa vì lo cho gia đình. Lý giải điều trên bà này cho biết, chồng bà dù chữa cũng không khỏi được nên không muốn gia đình hao tổn. Vì vậy chắc chắc quyền này sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần điều trị của chồng bà. 

Chúng tôi khảo sát tiếp theo trên 18 bệnh nhân có mặt tại khuôn viên bệnh viện trong nhiều trường hợp gồm những bệnh nhân bị K vòm họng, K vú… Ngạc nhiên là tất cả đều khẳng định nhất trí với việc được giúp có cái chết nhẹ nhàng. Lý do được họ đưa ra là bởi không muốn chịu cảnh đau đớn đến chết và không muốn hao tốn tiền của gia đình.

Áp dụng câu hỏi trên một số người đến khám thì một số nhất trí với điều này, một số phân vân không đưa ra quyết định còn một số lại thì thẳng thắn cho rằng không bao giờ nghĩ đến điều đó.

Người thân bệnh nhân có ý kiến ủng hộ có ý kiến không

Đưa vợ đến bệnh viện tuyến trên khám, vợ được xác định bị ung thư vòm họng, anh Trung (quê Thanh Hóa) khi được hỏi đã chia sẻ: “Nên có điều luật ấy, vì có chữa thì cũng không thể khỏi, vừa giúp người bệnh đỡ đau đớn vừa đỡ hao tổn kinh tế gia đình”. 

Cùng câu hỏi trên chị Lan Anh, quê Hải Dương đưa chị gái đi khám vì nghi mắc ung thư vú cho biết,không có bệnh gì là không thể cứu chữa…, nếu đề xuất được đưa vào phần nào sẽ ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh và không ủng hộ việc này.

“Tôi vẫn động viên nhà tôi phải chữa cho đến cùng, kéo dài ngày nào hay ngày đó. Dù khi chứng kiến cô ấy đau đớn, tôi thương lắm” – anh Vàng (quê Bắc Ninh) nêu quan điểm. Cũng theo anh Vàng đề xuất này không gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý điều trị của vợ anh dù trước đó anh cho biết bản thân và gia đình và người vợ của anh rất sốc khi biết mình bị K. 

Đồng quan điểm ủng hộ việc “quyền được chết”, một số người thân bệnh nhân đang điều trị thì đưa ra lý giải không muốn người thân đau đớn và cho rằng nên áp dụng khi các bác sĩ xác định không chữa được và khi người bệnh không thể kéo dài thời gian sống được nữa. Song không ít người bác bỏ và cho rằng nó sẽ gây ảnh hưởng tâm lý của người bệnh.­­­­ 

Trả lời PV, một bác sĩ giấu tên cho biết, nếu quyền này được đưa ra sẽ có không ít bệnh nhân từ bỏ chạy chữa thay vào đó họ sẽ mất hết niềm tin vào cuộc sống mà chỉ chăm chăm vào việc chuẩn bị đón nhận cái chết. Bởi trên thực tế khi biết mình bị ung thư không người bệnh nào tự tin chữa khỏi, thay vào đó họ có suy nghĩ dùng thuốc chỉ để kéo dài sự sống gây ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. 

“Thực tế khi chữa bệnh chúng tôi còn phải giúp bệnh nhân tự tin chạy chữa, nay có đề xuất này cá nhân tôi thiết nghĩ sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý người bệnh” một bác sĩ nêu quan điểm. 

Nhất Nam

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news