Chắc câu chuyện về ông lão “nhặt” được vợ từ bãi rác ở bãi giữa sông Hồng của ông Nguyễn Văn Thành (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thuỷ (78 tuổi) không còn xa lạ với Cộng đồng mạng. Chuyện tình yêu đẹp ấy đã từng được chia sẻ khắp các trang báo, trang mạng xã hội. Tết đến, Xuân về và lại thêm một năm nữa bên nhau, họ chỉ mong cả hai mạnh khoẻ, để tiếp tục nắm tay nhau đi qua nhiều năm tháng năm nữa trong cuộc đời.
Sống bằng tình thương [mecloud]VHkvm9SLJ2[/mecloud]
Cứ 12 giờ đêm đến 4, 5 giờ sáng ông Thành lại lang thang phố phường đi nhặt rác để sáng về bán phế liệu, mỗi tối được khoảng 20.000-30.000 đồng, số tiền này để lo cho cuộc sống qua ngày của hai vợ chồng.
Ông Thành bảo, phải đi ban đêm chứ ban ngày không có rác, sức già rồi không nhanh như những người chuyên thu gom đồng nát. Ban ngày một mình bà Thuỷ trông nhà cũng không ổn, sức yếu lại nhiều người qua lại khiến ông đi không yên tâm. Bà Thuỷ gầy gò, trông khá nhanh nhẹn nhưng sức khoẻ yếu nên chỉ mình ông Thành đi nhặt rác nuôi bà.
Cả một đời hai ông bà đi nhặt rác để kiếm kế sinh nhai, đến cuối đời ông bà lại “nhặt nhạnh” yêu thương của người đời để sống qua ngày. Người đem cho ông bà con chó để nuôi, người thi thoảng mang thức ăn, thuốc thang xuống cho ông bà.
Ông Thành, bà Thủy nhặt rác sống qua ngày. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+) |
Không có quê hương, người thân ngóng chờ ông bà trở về, nhưng có ông, có bà có tình thương của mọi người là có Tết, ông Thành bảo: “Tết đến, người ta cũng mang bánh kẹo, có người mang bánh chưng... thế là có Tết. Có ít, ăn ít, nếu có được cho nhiều già rồi cũng không ăn hết, không có tủ lạnh để bảo quản cũng hỏng. Quan trọng là có người đến hỏi han, chúc tụng thì vợ chồng cũng cảm thấy ấm áp, có không khí Tết.”
Bà Thuỷ cười nói: “Ông bà già chả có gì, có tiền có khi còn sợ, bị cướp nhiều khi lại mất mạng. Hai ông bà già đẩy cái là ngã, có lẽ vì thế mà những người thương họ chỉ cho thuốc thang, đồ ăn... chứ cũng ít ai cho tiền.”
Bà Thuỷ kể, những người xuống bơi ở sông Hồng thi thoảng cũng cho đồ này đồ kia. Ông bà cũng vì thế mà sống qua ngày, nhưng giờ ông Thành già yếu rồi, đi nhặt rác nửa đêm bà lo lắm, mình bà với con chó cứ chờ ông về mới ngủ yên giấc.
Mong ước sửa lại “túp lều tranh”
Câu chuyện tình yêu của ông Thành, bà Thuỷ có lẽ là minh chứng cho câu nói "một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Trong nghèo khó, tình cảm của ông bà càng đáng trân quý. Bà thuộc làu thời khoá biểu của ông, không cần ngó ra ngoài bà cũng biết ông đang làm gì. Thi thoảng ông bà lại cùng nhau hút thuốc lào, bà Thuỷ lém lỉnh trêu trọc chồng vài ba câu và cả hai cùng cười giòn giã. Cả một đời đói khổ nhưng hai ông bà bảo, buồn làm gì, cứ vui thôi!
Hơn 40 năm cùng nhau trải qua sống cuộc sống không nhà, không cửa, mãi đến cuối đời, ông Thành, bà Thuỷ mới có được một "mái ấm" ngay dưới chân cầu Long Biên.
“Mái ấm” này neo đậu bên bờ bãi giữa Sông Hồng, được làm bằng 24 chiếc thùng phuy và những mảnh gỗ ghép vào với nhau. Đây cũng là thành quả ông Thành nhặt nhạnh và nhiều người thương nên đã gom góp cho ông bà.
Bà Thủy chỉ mong năm mới hai vợ chồng ông bà mạnh khỏe. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+) |
Thời gian làm 4,5 chiếc thùng phuy bị ăn mòn, bị hỏng, ông Thành bà Thuỷ phải lên bờ dựng lều ở vì sợ ngủ dưới bè không còn an toàn. Tết đến ông bà chỉ mong ước năm mới góp nhặt thay được 4,5 chiếc thùng phuy bị hỏng, để ông bà lại trở về với “mái ấm”.
Lật giở những bức ảnh cưới của mình, bà Thuỷ bảo: “Thêm một năm mới nữa rồi, thêm tuổi tôi chỉ mong ông ấy mạnh khoẻ thôi, chả cầu mong gì hơn, năm vừa rồi ông ấy đau lưng mà vẫn phải đi nhặt rác, tôi xót lắm.”
Ông Thành cười nói: “Hai vợ chồng chả mong ước gì hơn sức khỏe, mong năm mới ai cũng khoẻ mạnh.”
“Mái ấm” của ông bà cũng nhờ ông Thành nhặt nhạnh, rồi người ta qua lại cho cái này, cái kia mà hoàn thành. Trải qua 4,5 năm, giờ vài chiếc thùng phuy đã hỏng, mỗi chiếc muốn thay mất khoảng 200.000 đồng. Hy vọng rằng Xuân về khắp nơi thắp trọn lửa yêu thương, ước mơ một “mái ấm” vững chắc của ông bà sẽ thành hiện thực./.