Tin mới

Vỡ hồ chứa chất thải Titan, bùn đỏ tràn ra như thác lũ: "Nước ngầm sẽ bị nhiễm độc"

Thứ sáu, 17/06/2016, 14:29 (GMT+7)

Liên quan vụ vỡ hồ chứa chất thải Titan tại Bình Thuận, Giáo sư địa chất Phan Trường Thị khẳng định, hóa chất có trong bùn đỏ sẽ ngấm xuống đất gây nhiễm độc nguồn nước ngầm của cả khu vực.

Liên quan vụ vỡ hồ chứa chất thải Titan tại Bình Thuận, Giáo sư địa chất Phan Trường Thị khẳng định, hóa chất có trong bùn đỏ sẽ ngấm xuống đất gây nhiễm độc nguồn nước ngầm của cả khu vực.

Hôm 16/6, hồ chứa chất thải khai thác Titan (rộng khoảng 3000m2) của Công ty TNHH Tân Quang Cường (ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) bất ngờ bị vỡ. Hàng trăm mét khối bùn đỏ trong hồ chứa tràn ra ngoài. Do lượng bùn đỏ quá lớn, dòng nước vỡ ra mạnh nên đã xé thành một đường rãnh lớn từ đồi cát chạy xuống khu dân cư, qua cả một khu vực rộng hàng ngàn ha rồi đổ ra biển khiến cả vùng biển Thuận Quý bị nhuộm đỏ.

Xem video:

Trao đổi với phóng viên về sự cố tràn hồ chứa bùn đỏ nói trên, Giáo sư địa chất Phan Trường Thị cho biết, việc khắc phục hậu quả do bùn đỏ gây ra có thể kéo dài trong nhiều năm chứ không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. 

Giáo sư Phan Trường Thị cho biết, nguyên nhân làm cho cát có màu đỏ là bùn thải chứa nhiều sắt và các nguyên tố khác. Do đó, cần phải xem thành phần cụ thể có trong bùn đỏ rồi mới có hướng khắc phục cụ thể. 

"Việc điều động nhân công tiến hành dọn dẹp bùn đỏ bị tràn trên mặt đất chỉ là vấn đề nhỏ. Điều quan trọng là phải "xử lý" được hệ quả xấu do lượng bùn đỏ gây ra. Đó là việc người dân trong khu vực sẽ gặp khó khăn trong trồng trọt và sản xuất nông nghiệp trên đất mặt ít nhất trong một vài năm tới. Đặc biệt là nguồn nước ngầm sẽ bị nhiễm độc bởi các kim loại nặng có trong bùn thải này. Ngoài ra, khi bùn đỏ chảy ra biển thì hệ sinh thái biển khu vực cũng bị gây hại nghiêm trọng" - GS. Phan Trường Thị nhấn mạnh.

Theo chuyên gia địa chất, thực tế, chỉ cần 100m3 bùn đỏ tràn ra môi trường đã là độc hại vô cùng, môi trường sinh thái, lớp thổ nhưỡng, nước ngầm và nước mặt… bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, với lượng bùn đỏ trong hồ chứa rộng tới hàng ngàn m2 thì ảnh hưởng của nó tới môi trường nguy hại vô cùng.

Hàng nghìn m3 bùn đỏ từ hồ chứa chất thải titan tràn vào nhà dân. Ảnh: TTXVN

Còn theo phân tích của GS.TS Trần Nghi - một chuyên gia địa chất chuyên nghiên cứu về cát đỏ Bình Thuận, màu đỏ của bùn là do kim loại sắt và kim loại nhôm tạo nên, và bản thân hai kim loại này khong độc hại. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý cát, các doanh nghiệp đã dùng những hóa chất gì để đưa vào quá trình xử lý và tạo ra chất thải bùn đỏ thì không ai rõ. 

Xét vê mặt luật pháp, các hóa chất này được ghi nhận trong thiết kế kỹ thuật của nhà máy. Vì vậy, muốn xử lý được vấn đề bùn đỏ thì cần xem lại các thiết kế kỹ thuật đó; đồng thời phải tiến hành phân tích để xem bùn đỏ bao gồm cụ thể các thành phần hóa chất gì.

Ngoài sắt và nhôm có thể có trong đó, cần phải xem các chất còn lại trong bùn đỏ độc hại hay không độc hại ra sao. Từ đó, so sánh bảng có trong thiết kế và bảng phân tích thực tế thì sẽ cho kết quả về các loại hóa chất "bị dư ra", từ đó mới có hướng xử lý đảm bảo an toàn.

Được biết, sau khi xảy ra sự cố vỡ hồ chất thải, Phó Giám đốc Công ty Tân Quang Cường - ông Trần Quang Hải cho biết, cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Nam và Công ty đã điều động phương tiện và 50 công nhân dọn dẹp bùn cát, thông tuyến đường. Đồng thời, những thiệt hại của người dân và khu du lịch bị ảnh hưởng công ty sẽ đền bù.

Lực lượng công an tỉnh Bình Thuận cũng đang tiến hành thống kê vùng bị ảnh hưởng bởi bùn đỏ, đo đạc hiện trường xảy ra sự việc.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news