Liên quan đến vụ máy bay Su-22 rơi ở Bình Thuận, công tác tìm kiếm cứu nạn 2 máy bay Su-22 gặp nạn ở khu vực đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận tạm dừng vào 18h ngày 16/4 do trời tối và đã được nối lại sáng sớm nay 17/4.
2 máy bay Su-22 rơi ở Bình Thuận, 2 phi công mất tích (Theo VTV)
17h: Phần đuôi máy bay Su-22 được phát hiện tại vĩ độ 10.36.18 độ bắc, 108.21.18 độ đông, nằm sâu 32m thuộc vùng biển Bình Thuận. Vị trí đuôi máy bay được xác định cách vị trí đặt bia đánh dấu mục tiêu cần ném bom khoảng 1,5 hải lý.
15h30: Báo VnExpress đưa tin, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết, lực lượng tìm kiếm đã được bổ sung một tàu bộ đội đặc công, có 20 người nhái. Tuy nhiên, mọi phương án đang tập trung trên mặt nước, chỉ khi nào xác định vị trí máy bay rơi lính đặc công mới vào cuộc.
Theo Phó chủ tịch huyện Phú Quý Tạ Minh Nhựt, độ sâu nước biển tại khu vực nghi máy bay rơi từ 34 đến 38 m.
14h: Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, các tàu cứu hộ của tỉnh Bình Thuận vẫn đang tiếp cận vị trí nghi 2 máy bay Su-22 rơi để tìm kiếm; địa điểm máy bay gặp sự cố cách hòn Đá Bé khoảng 1 hải lý.
Vị trí nghi 2 máy bay Su-22 rơi được khoanh vùng trong phạm vi 10036’36 độ Vĩ Bắc - 108051’30 độ Kinh Đông (cách đảo Phú Quý 8 hải lý).
11h30: Theo tin tức trao đổi trên Tri Thức Trực Tuyến, đại tá Ngô Ngọc Thu- Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đã điều động tàu CSB-2009, và máy bay CASA 212 "Mắt thần biển Đông), tìm kiếm máy bay Su-22 và 2 phi công mất tích dưới sự chỉ huy của đoàn công tác Bộ Quốc phòng.
"Mắt thần biển Đông" tìm kiếm 2 máy bay Su-22 rơi ở Bình Thuận
11h: Tàu CSB-2009 tham gia tìm kiếm máy bay Su-22 rơi ở Bình Thuận đã phát hiện vết dầu loang cách hòn Đá Bè (thuộc huyện đảo Phú Quý) 3km
10h: Tờ Dân Việt, dẫn thông tin từ Trung đoàn Phòng không Không quân 937, cho biết sáng nay (17.4), máy bay của đơn vị này đã tiếp tục xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) ra vị trí hai chiếc Su-22 rơi để tìm kiếm cứu nạn.
Hiện đang có ít nhất 4 tàu kiểm ngư, 1 tàu cá, 1 tàu pháo - tên lửa 379 của Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân và nhiều máy bay đang quần thảo ngoài vùng biển nơi Su-22 rơi. Ngoài ra, thông tin từ Bộ đội biên phòng đảo Phú Quý cho biết, trong bờ đã có nhiều tàu, thuyền đợi lệnh xuất bến khi có yêu cầu.
Cũng theo nguồn tin này, hiện tại vẫn chưa tìm được dấu vết gì của hai chiếc Su-22 và 2 phi công.
9h: Trao đổi trên Zing, ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh văn phòng Ủy ban PCLB-TKCN tỉnh Bình thuận cho biết, chiều tối 16/4, cán bộ trên tàu Biên phòng 11-1901 đã trục vớt được 3 thùng rỗng, nghi là thùng dầu của máy bay gặp nạn. Các thùng này có mùi dầu, mang số hiệu 5863, màu đỏ, đã được đưa về cảng Phú Quý. Số hiệu 5863 cũng là số hiệu của máy bay Su-22 bị rơi do phi công Nguyễn Anh Tú điều khiển
7h30: Theo tin tức trao đổi trên báo Tuổi Trẻ, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh quân chủng phòng không không quân Việt Nam cho biết, sáng ngày 17/4, các máy bay của trung đoàn không quân 937 sẽ tiếp tục cất cảnh từ sân bay quân sự Thanh Sơn tại TP.Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) để tiếp tục phối hợp với các lực lượng tìm kiếm 2 máy bay Su-22 rơi ở Bình Thuận và 2 phi công mất tích.
Vụ 2 máy bay Su-22 rơi ở Bình Thuận: Tiếp tục tìm kiếm máy bay Su-22 (Ảnh minh họa)
Thiếu tướng Tuấn cũng khẳng định, ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm và cứu nạn các phi công đang mất tích của 2 chiếc máy bay Su-22.
Trước đó, lúc 11 giờ 45 phút ngày 16-4, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với Sở Chỉ huy.
Ngay sau khi mất liên lạc, Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn. Lúc 14 giờ 50 phút ngày 16-4, máy bay tìm kiếm đã phát hiện tại vùng biển có tọa độ 10 độ, 36 phút, 36 giây vĩ Bắc; 108 độ, 51 phút, 30 giây kinh Đông có 4 bình dầu phụ trôi nổi và vết dầu loang trên biển.
Hai phi công gặp nạn gồm: Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 và Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Hiện nay các cơ quan chức năng của Quân chủng Phòng không - Không quân đang tiếp tục tổ chức lực lượng tìm kiếm và xác định nguyên nhân tai nạn.
Thiếu tướng Tuấn cũng cho biết, vị trí máy bay mất liên lạc cách đảo Phú Quý 15km về hướng bắc, nằm trên vùng biển giáp ranh hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Thông tin máy bay rơi ở Bình Thuận đang tiếp tục được cập nhật...
Thông tin về máy bay Su-22:Sukhoi Su-17/Su-22(NATO định danh: Fitter) là loại máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe phát triển từ Su-7. Su-17/22 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 2/8/1966, chính thức giới thiệu năm 1970 và sản xuất hàng loạt trong giai đoạn 1969 - 1990 với tổng số 2.867 chiếc xuất xưởng. Dòng máy bay này được Liên Xô xuất khẩu rộng rãi tới 33 nước đồng minh Đông Âu, Châu Á và Trung Đông. Hiện tại, sau 48 năm tung cánh trên bầu trời, Su-22 chỉ còn trong biên chế chiến đấu của 5 quốc gia. Tiêm kích bom Su-22 là máy bay chiến đấu đầu tiên của lực lượng không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc từ năm 1988. Máy bay có tính năng đặc biệt với công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng. Tính năng chính của Su-22 là tiêm kích bom, nhưng các phiên bản trong biên chế không quân Việt Nam đang được sử dụng cho nhiệm vụ tiêm kích phòng không, máy bay có thể mang 4 tấn bom với thời gian hoạt động nhiều giờ đồng hồ, bán kính hoạt động khoảng 600 km. Trong chủng loại máy bay tiêm kích bom Su-22 thì Su-22M4 là biến thể được nâng cấp với 10 giá treo mang được 4.000 kg vũ khí các loại gồm: tên lửa không đối không R-60; tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25, Kh-29; tên lửa chống radar Kh-58; bom có điều khiển; bom và rocket không điều khiển. | |
Nhóm PV