Tin mới

Vụ 4 con chó cắn chủ: Bị cắn vẫn phải chịu xử phạt

Thứ hai, 14/03/2016, 19:28 (GMT+7)

Theo luật sư, chủ nhân của 4 con chó trên sẽ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật đã ban hành khi thả rông chó ngoài đường, gây nguy hiểm cho người khác và chính bản thân mình.

Theo luật sư, chủ nhân của 4 con chó trên sẽ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật đã ban hành khi thả rông chó ngoài đường, gây nguy hiểm cho người khác và chính bản thân mình.

Mới đây, dư luận hết sức bàng hoàng khi chứng kiến cảnh một người đàn ông ở Ba Đình, Hà Nội bị 4 con chó hung dữ lao vào cắn, hậu quả anh này bị đứt gân tay, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Và việc người dân đang đi trên đường bị chó dữ lao ra cắn cũng không còn là việc xa lạ nữa.

Để tìm hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật khi thả rông chó, gây nguy hiểm cho người khác chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Bốn con chó lao vào cắn chủ nhân. Ảnh cắt từ clip.

Theo luật sư Cường: “Các con thú nuôi, súc vật mà con người sử dụng là động vật không có ý thức và vẫn mang trong mình bản tính tự nhiên, vì vậy đôi khi chủ nuôi, người hướng dẫn nó, dạy nó vẫn bị nó tấn công, gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe cho chủ nuôi hoặc người khác.

Nói cách khác là không thể kiểm soát hết được hành vi của các con vật, kể cả vật nuôi đã được huấn luyện, thuần dưỡng. Chính vì thế, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành thì vật nuôi được coi là một trong những "nguồn nguy hiểm cao độ", có thể gây thiệt hại cho con người bất cứ lúc nào.

Người nào sở hữu vật nuôi mà để gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây nên.

Trước hết, theo quy định pháp luật, người nuôi chó phải có trách nhiệm quản lý chó nuôi của mình được quy định tại Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì người nuôi chó có các trách nhiệm sau đây:

“a) Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân xã, phường cấp sổ quản lý chó (Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô).

b) Phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y;

c) Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng;

d) Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi.”

 Nếu người nuôi chó mà thả rông vật nuôi nơi thành phố, thị xã hoặc nơi cộng cộng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm c khoản 1 Điều 5  Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ  với mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.”

Ngoài ra, người nuôi chó thả rông động vật làm cho chó cắn người đi đường thì theo quy định tại Điều 625 BLDS sẽ phải bồi thường thiệt hại. Cụ thể như sau:

“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.

2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;

4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Trách nhiệm dân sự: Đối với những thiệt hại mà súc vật gây ra cho nạn nhân thì chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2005, gồm các khoản bồi thường thiệt hại sau: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, mức thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Trường hợp, thiệt hại tính mạng, việc bồi thường sẽ gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa người bị thiệt hại, cho mai táng, tiền cấp dưỡng nếu người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và khoản tiền khác bù đắp thiệt hại về tinh thần.

Chỉ trong trường hợp xác định người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi, làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu súc vật mới không phải bồi thường.[mecloud]S0DEn8XJCI[/mecloud]

Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: chó cắn chủ