Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã có báo cáo nhanh gửi bộ giáo dục về việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ mất việc đồng thời nêu lên những bất cập trong tuyển dụng.
Tuổi Trẻ và Vietnamnet cho hay liên quan đến vụ việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ mất việc ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, chiều ngày 13/3, ông Phạm Đăng Khoa - GĐ Sở GD-ĐT Đắk Lắk - cho biết đã có báo cáo nhanh gửi bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Theo đó, sau khi huyện Krông Pắk thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên gây hoang mang lo lắng trong các thầy cô giáo, tính đến nay tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với giáo viên để tìm "giải pháp nhân văn hơn".
Huyện Krông Pắk tuyển dư thừa hơn 600 giáo viên hợp đồng. Ảnh: Vietnamnet |
Báo cáo cũng đã phân tích và đề nghị nên đưa việc tuyển dụng bổ nhiệm thuyên chuyển các viên chức giáo dục ở cấp huyện về một mối.
Cụ thể, ngày 24/12/2010, Chính phủ đã ban hành nghị định 115 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó quy định rõ ở cấp huyện, phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm tham mưu việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển, giáng chức… viên chức giáo dục.
Tuy nhiên, ngày 5/5/2014, Chính phủ lại có nghị định số 37 quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), trong đó quy định phòng nội vụ tham mưu, giúp UBND huyện việc cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập…
"Chính sự lệch pha này mà ở cấp huyện, nhiều nơi chủ tịch huyện giao việc tuyển dụng viên chức giáo dục cho phòng nội vụ. Phòng nội vụ chỉ nắm trường này thiếu bao nhiêu chỉ tiêu nhưng không nắm cụ thể thiếu ở những môn gì, dẫn đến đưa giáo viên về mà bộ môn này dư, bộ môn kia vẫn thiếu", ông Khoa phân tích.
Chính vì lý do này, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đề nghị Bộ GD-ĐT có đề xuất Chính phủ thống nhất lại việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển… viên chức giáo dục về cho ngành để tham mưu, theo dõi sát hơn, tránh việc tuyển dôi dư như vừa qua tại huyện Krông Pắk.
Về việc mức lương của nhiều giáo viên chỉ từ 500.000-1 triệu đồng/tháng, quá thấp so với mức sống tối thiếu nhưng công đoàn ngành giáo dục (nay sáp nhập về liên đoàn cấp huyện) không có ý kiến để bảo vệ quyền lợi giáo viên, ông Khoa nói trong các đợt thanh tra, kiểm tra ở các đơn vị đều có ý kiến, đề xuất.
Tuy nhiên trong số hơn 500 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk, hợp đồng được phân rất nhiều loại do trường hay huyện ký, khi phân loại được rồi thì mới có thể có thông tin để bảo vệ quyền lợi nhà giáo.
Trước đó, ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk thông báo sẽ cắt hợp đồng với 208 giáo viên hợp đồng "không đủ điều kiện xét tuyển".
Ngoài ra có 370 người trong số hơn 600 giáo viên dôi dư mà huyện "lỡ tuyển" sẽ xét tuyển cuối tháng 3-2018 cùng nhiều thí sinh tự do khác để chọn 83 chỉ tiêu. Như vậy có thêm hơn 300 người nữa cũng sẽ rời bục giảng sau nhiều năm gắn bó.
Tuy nhiên UBND tỉnh Đắk Lắk sau đó đã yêu cầu tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với các giáo viên, còn huyện Krông Pắk đang rà soát, tìm giải pháp.
Bộ GD-ĐT cũng lên tiếng đề nghị địa phương phải có giải pháp, bảo vệ quyền lợi nhà giáo...
Liên quan đến việc giáo viên chấp nhận mức lương 1 triệu đồng/tháng vì lỡ bỏ tiền "chạy" hợp đồng, bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - nói "đến nay chưa phát hiện tiêu cực".
Hồng Hạnh (tổng hợp)