Tin mới

Trò chơi dan gian

Thứ tư, 15/01/2014, 09:26 (GMT+7)

Đánh Đu, Đấu VẬt, Cờ Người (Trò chơi trí tuệ), đập niêu, bịt mắt bắt dê

 

Mỗi độ tết đến xuân về, ở mỗi miền quê Việt Nam thường tổ chức lễ hội Xuân cầu mong 1 năm mới ấm no, hạnh phúc. Trong ngày hội vui ấy không thể thiếu những trò chơi dân gian, bản sắc riêng của những địa phương ấy. Trò chơi dân gian ngày xuân, không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí, mà đằng sau còn có ý nghĩa tâm linh,ý nghĩ nhân văn, là món ăn tình thần của người dân việt. Là nét văn hóa độc đáo trong kho tàng dân gian việt nam.

TRò chơi Đánh đu

“Bốn cột khen ai khéo khéo trồng

Kẻ thì lên đánh kẻ ngồi trông

Trai đu gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới

Đôi hàng chân ngọc duỗi song song

Chơi Xuân ai biết Xuân chăng tá?

Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không”.

Đánh đu là trò chơi dân gian phổ biến, thường diễn ra vào những ngày tết cổ truyền, hay trong những ngày lễ hội đầu xuân ở hội làng.

Từ những ngày trước Tết, các trai làng đã được cử đi chọn những cây tre to đẹp nhất để dựng cột đu. Cây đu thường được dựng giữa bãi đất rộng ở sân đình làng. Cây đu được cấu tạo gồm có trụ đu, thượng đu, tay đu và bàn đu. Trụ đu gồm 4 cây tre lớn tạo thành hai cột trụ, thượng đu làm bằng thanh tre đặt ngang nối hai phần trụ đu với nhau. Tay đu là hai cây tre già nhỏ vừa với tay cầm và được chốt chắc chắn để người đu cầm khi đu, bàn đu là chỗ người chơi đứng lên trên đó để đu.

Có nhiều cách đu nhưng phổ biến nhất vẫn là đu đơn và đu đôi; đu đơn là đu một người, đu đôi là đu hai người. Đu đơn nữ thường thể hiện sự nhẹ nhàng và duyên dáng của người con gái, đu đơn nam thường thể hiện sự khỏe mạnh, bay bổng và chắc chắn của người con trai. Đu đôi gồm có đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Tuy nhiên, đẹp nhất, hấp dẫn và thích thú nhất vẫn là chơi đu đôi nam nữ. Hai người lên đu quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức từ đôi chân đẩy cho đu bay cao. Người chơi càng nhún mạnh, đu càng bay lên cao. Khi cần đu lên ngang tầm với ngọn đu là lúc đu hay nhất, người đu kết hợp nhịp nhàng nhất, nếu người chơi đu khéo, đu giỏi có khi bàn đu còn bay qua ngọn đu một vòng. Nhiều nơi treo giải thưởng ở ngang ngọn đu để người chơi giật giải.

Trò chơi đu yêu cầu người chơi phải thật bình tĩnh, có sức khỏe và một chút dũng cảm, bởi đây là trò chơi có tính mạo hiểm khi người đu có cảm giác hưng phấn thì có thể điều khiển đu bay lên rất cao. Nếu không bình tĩnh và không có sức khỏe thì người chơi rất khó điều khiển cây đu.

Ở trò chơi đánh đu này người xưa còn gửi gắm nhiều ý nghĩa tâm linh quan trọng, mong sự phồn thịnh, sinh sôi, với mùa màng còn người và vạn vật xung quanh.

Đầu Vật

Không chỉ có trò chơi đánh đu, đấu vật là trò chơi có ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Sân đấu vật thường có hình tròn và được đặt ở sân đình hình vuông. Vuông, tròn theo quan niệm là trời đất, âm dương, là sự kết hợp hài hòa, chọn vẹn mang lại những điều tốt đẹp.

Đấu vật là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp Tết dịp Hội. ở Việt Nam ngoài đấu vật ngày Tết còn có nhiều hội vật Làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam, Mai Động... Xưa ở vùng Bắc Ninh, Phú Thọ có những lò vật và những đô vật nổi tiếng cả một vùng. Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao trong 3 ngày tết. Tục xưa người ta trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác. Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên. Trong môn vật này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà sự mưu trí và nhanh nhẹn đóng góp phần đáng kể. Về kỹ thuật cũng có những "miếng" riêng của nó như đệm, bốc, ghì... mà tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện đô vật phải biết lợi dụng triệt để các thời cơ quật ngã hay bê bổng đối phương.

Đấu vật mang yếu tố tâm linh, mong mưa thuận gió hòa, cây cối mùa màng tốt tươi.

Cờ người

Cờ Người là một trong số những trò chơi dân gian đặc sắc diễn ra trong các dịp lễ hội của Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng. Trò chơi này không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn là một cuộc đấu trí đầy trí tuệ mang đậm bản sắc dân tộc Việt. 

Cờ người cũng là cờ tướng mà quân cờ là người thật, và chơi trên sân đất rộng. Hai tướng là Tướng Ông và Tướng Bà thường mặc đẹp, trang điểm kỹ, có 2 cờ đuôi nhéo cắm chéo sau lưng, được che lọng.

Trên sân cờ, có 16 quân nam, và 16 quân nữ, các quân cờ người thường mặc áo rực rỡ, thêu biểu tượng quân cờ mình thủ vai ở trước ngực và sau áo, để người xem tiện theo dõi.

Cứ trước mỗi nước đi quân cờ thường múa điệu múa dân gian truyền thống, cùng các bài vè đặc trưng quen thuộc.

Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách. Vào cuộc chơi phải bình tĩnh, thận trọng, chủ động không bị phân tán bởi những người xem mách nước. Đi một nước phải tính trước 2, 3 nước tiếp theo để khỏi bị bất ngờ trước đối thủ của mình. Cờ tướng, cờ người thường thấy trong các ngày hội, ngày Tết, mừng xuân mới.

Đập niêu đất

Đập niêu đất cũng là trò chơi dân gian khá phổ biến ở nhiều làng quê miền Bắc. Trò chơi thường diễn ra ở sân đình hay trên sân rộng.

Trước khi chơi, người ta trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Một vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3 đến 5m được kẻ làm điểm xuất phát.

Trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50cm, những người tham gia chơi đứng dưới vạch mốc và bị bịt mắt nên họ phải định hình hướng đi và ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ…

Người chơi sẽ đọc thật to món quà mà mình nhận được, có khi là một phong bao lì xì, một chiếc bánh chưng, một gói kẹo hay một chùm bóng bay, cũng có khi phần thưởng chỉ là một tràng pháo tay của đông đảo dân làng đến xem, cổ vũ… Có địa phương lại đổ đầy nước vào trong niêu, mỗi khi có ai đó đập trúng niêu, nước sẽ bắn vào người và theo quan niệm thì đó là niềm may mắn trong năm mới.

Bịt mắt bắt dê

Mỗi hội làng sẽ không thể thiếu trò chơi bịt mắt bắt dê.

Trò chơi bịt mắt bắt dê diễn ra trên một sân cỏ, người chơi quây xung quanh làm vòng tròn. Trò chơi chủ yếu là vui, tùy chỗ cũng có thể treo giải thưởng. Những người chơi đăng ký và chia thành các cặp. Mỗi cặp lần lượt vào sân chơi. Người ta bịt mắt 2 người thật chặt. Một trong 2 người làm dê, người kia bắt. Người làm dê trong quá trình chạy trốn thỉnh thoảng phải gây ra tiếng động để người bắt biết mà đuổi theo. Một hình thức khác của trò chơi này cũng tương tự như trò bịt mắt bắt vịt, với những chú dê sống là đối tượng của cuộc đuổi bắt.

 

Ném còn

Với người Việt cổ xưa, trò chơi này thường dành cho giới nữ, con nhà quý phái, xưa kia là các mỵ nương, con gái Lạc hầu, Lạc tướng. Đối với các dân tộc Mường, Tày, H’mông, Thái... ném còn là trò tín ngưỡng hấp dẫn nhất của trai gái trong dịp hội xuân.Quả "còn" hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc. 

Mở đầu cuộc chơi là phần nghi lễ, thầy mo dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần nghi lễ, thầy mo cầm hai quả còn đã được “ban phép” tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi ném còn năm đó. Các quả còn khác của các gia đình lúc này mới được tung lên như những con chim én. Trước khi khép hội, thầy mo rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm - dương). Ném còn làm cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài hò reo cổ vũ khiến không khí cuộc chơi rất sôi nổi, hấp dẫn. Ném còn là trò chơi không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích. Trò vui này mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hoà âm - dương, mùa màng tươi tốt.

Dụng cụ: - Vòng thể dục cột theo hàng ngang cách nhau 50 cm. - Quả còn bằng vải. - Rổ đựng còn.
. Chỗ chơi: Khoảng đất rộng đủ để chạy nhảy thoải mái 3. Cách chơi:- Chia trẻ thành các nhóm (mỗi nhóm từ 6 – 7 trẻ), cho trẻ đứng thành hàng ngang dưới vạch xuất phát.- Khi nghe hiệu lệnh của cô, trẻ cầm quả còn chạy đến vạch mức cô đã vạch sẵn, nhảy lên ném quả còn vào vòng tròn, sau đó chạy về lấy quả còn khác chạy lên ném tiếp. Trẻ chơi cho đến khi hết quả còn trong rổ. 4. Luật chơi:- Khi số quả còn trong rổ đã hết, cô cho trẻ dừng lại, đi nhặt hết những quả còn đã ném bỏ lại vào rổ và tiếp tục chơi.- Cho trẻ chơi liên tục trong khoảng 10 – 15 phút, không hạn chế số lần chơi của trẻ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news