Tin mới

Vụ bé trai 5 tuổi tử vong bất thường sau khi cắt amidan: Hé lộ nguyên nhân

Thứ bảy, 24/11/2018, 19:23 (GMT+7)

Trước khi vào phòng mổ, cháu T.A hoàn toàn khỏe mạnh nhưng chỉ sau 15 phút gây mê, bé rơi vào trạng thái bị sốc, tim ngừng đập rồi sau đó tử vong.

Trước khi vào phòng mổ, cháu T.A hoàn toàn khỏe mạnh nhưng chỉ sau 15 phút gây mê, bé rơi vào trạng thái bị sốc, tim ngừng đập rồi sau đó tử vong.

Thông tin mới nhất trên VietnamnetDân Trí cho hay vào sáng ngày 21/11, bệnh nhi H.T.A. (5 tuổi, trú tại xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, Tỉnh Yên Bái), được gia đình đưa vào BV Đa khoa tỉnh Yên Bái để cắt amidan trong tình trạng sức khỏe ổn định, trước khi vào phòng mổ vẫn chạy nhảy, nô đùa.
9h sáng, cháu T.A được đưa vào phòng mổ.

Tuy nhiên sau 15 phút, gia đình bất ngờ được bác sĩ thông báo bé bị sốc khi gây mê, đang được cấp cứu. Đến 11h cùng ngày, bác sĩ thông báo bé T.A tử vong.

Cháu H.T.A. (5 tuổi) bị tử vong sau khi cắt Amidan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Ảnh: Dân Trí

Phía gia đình cho rằng các bác sĩ đã không tiến hành kiểm tra kĩ sức khỏe của bệnh nhi trước khi gây mê, không thử thuốc trước dẫn tới tử vong.

Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Song Hào, PGĐ BV đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, ngay sau tai biến đáng tiếc với bệnh nhi T.A, BV đã lập hội đồng chuyên môn, kiểm thảo tử vong, kết luận ban đầu cho thấy bác sĩ đã làm đầy đủ xét nghiệm, khám lâm sàng trước gây mê, khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhi không có tiền sử dị ứng thuốc hay thức ăn.

Theo PGĐ BV đa khoa Yên Bái, trường hợp bệnh nhi T.A không cần thử thuốc gây mê trước, do theo Thông tư 51 về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ chỉ có 2 loại thuốc cần phải thử trước khi tiêm.

Bệnh nhi được cho biết đã vào phòng mổ lúc 9h, được úp  mặt nạ khí mê Sevoflurane, sau đó tiêm tĩnh mạch 12 mcg Fentanyl, 35mg Propofol, 20 mg Suxamethonium. Tiếp theo, bệnh nhi được tiến hành đặt nội khí quản để thông khí nhân tạo. Sau đặt kiểm tra thông khí tốt thì đột ngột xuất hiện điện tim trên Monitor thành đường đẳng điện, da nhợt nhạt, được chẩn đoán ngừng tuần hoàn nghi sốc phản vệ. 

Ngay lập tức, các bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhi, đồng thời tăng cường thêm nhiều bác sĩ từ khoa Hồi sức tích cực, khoa Nhi cùng hỗ trợ, đặc trong đó có sự có mặt của PGS.TS Đặng Quốc Tuấn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai đang giảng dạy tại BV.

Tuy nhiên, trường hợp của cháu bé bị sốc phản vệ nặng, diễn biến nhanh nên đã không qua khỏi.

Ông Hào cho biết, sau khi sự việc xảy ra, phía BV cũng như PGS Tuấn đã gặp gia đình để giải thích đây là trường hợp bất khả kháng, diễn biến tối cấp, vượt quá khả năng dù đã được cấp cứu kịp thời, chính xác.

“Sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ đâu, bất cứ ai từ người lớn đến trẻ nhỏ do yếu tố cơ địa. Khi tiếp xúc với dị nguyên, cơ thể có phản ứng bảo vệ quá mức, dẫn tới bị sốc. Với những người khoẻ mạnh, người lớn có đầy đủ hệ thống miễn dịch, tình trạng này sẽ đỡ hơn, trong khi phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, người già sẽ có nguy cơ lớn hơn, dễ diễn biến nặng hơn”, ông Hào giải thích.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, BV đã bố trí phương tiện để đưa thi thể của cháu bé về nhà, đồng thời cử người đến chia buồn và động viên bệnh nhi. 

Hiện, BV đã niêm phong các loại thuốc và hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đồng thời cho kiểm tra lại toàn bộ quy trình đảm bảo an toàn gây mê.

Tại các nước phát triển, tỉ lệ tử vong mỗi năm do sốc phản vệ là 5-6 người/1 triệu dân. Ở Việt Nam, tuy Bộ Y tế không công bố số tử vong do sốc phản vệ tại các bệnh viện nhưng theo ý kiến của các giáo sư đầu ngành, con số này phải đến hàng trăm trường hợp mỗi năm.

Sốc phản vệ được chia ra 3 mức độ diễn biến là nhẹ, trung bình và nặng. Diễn biến nhẹ với những triệu chứng đau đầu, sợ hãi, chóng mặt, có thể có nổi mề đay, mẩn ngứa, buồn nôn, đau bụng, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, khó thở.

Với diễn biến trung bình, bệnh nhân có biểu hiện hoảng hốt, choáng váng, ngứa ran khắp người, khó thở, co giật, đôi khi hôn mê, đau bụng, da tím tái, niêm mạc nhợt, đồng tử giãn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được.

Diễn biến nặng thường xảy ra ngay trong những phút đầu tiên với tốc độ chớp nhoáng. Người bệnh hôn mê, nghẹt thở, da tím tái, mạch huyết áp không đo được, có thể tử vong sau vài phút.

Minh Di  (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news