Theo công an tỉnh Đắk Nông, hiện đơn vị chưa áp dụng biện pháp hình sự nào đối với vợ chồng bà Loan (chủ vựa cà phê nhuộm pin Con Ó) và người làm công vì vụ việc xuất hiện nhiều tình thiết mới, cần mở rộng điều tra.
Vợ chồng bà Loan. Ảnh: NLĐ
Chiều 19/4, trao đổi trên Báo Người lao động, Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra mục đích của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) nhuộm phế phẩm cà phê với than pin.
Theo Đại tá Lê Vinh Quy, bà Loan mới chỉ khai nhận bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê cho một người ở tỉnh Bình Phước. Hiện công an tỉnh Đắk Nông chưa áp dụng biện pháp hình sự nào đối với vợ chồng bà Loan và người làm công. "Vụ việc xuất hiện nhiều tình thiết mới, công an tỉnh đang điều tra", Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông nói.
Trong khi đó, một hàng xóm của bà Loan cũng cho biết, gia đình bà chuyển về địa phương từ năm 2016, lập doanh nghiệp thu mua nông sản. Gia đình bà Loan thu mua các phế phẩm cà phê, hồ tiêu về phơi đầy ngoài đường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh nghiệp này đóng cửa, không còn phơi tạp chất như trước.
"Năm ngoái, tôi thấy vợ chồng bà Loan chở từng bao pin về nhưng không biết họ dùng làm gì. Từ năm 2016, nhiều người dân đã nghi ngờ gia đình bà Loan sản xuất hồ tiêu, cà phê giả, sau đó có người đã báo cho cơ quan chức năng", người hàng xóm cho biết.
Thông tin thêm về hoạt động mở ám của cơ sở này, một cán bộ Công an xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp (tiếp giáp xã Đắk Wer) cũng cho biết, do quen biết cảnh sát môi trường nên khoảng tháng 4/2017, ông theo chân lực lượng này tới Đắk Wer nắm tình hình vì có người báo gia đình bà Loan làm tiêu hoặc cà phê giả.
"Khi tôi trèo lên tường để quan sát thì một anh công an bảo xuống vì phát hiện nhà bà Loan có nhiều camera theo dõi, sợ bị dứt dây động rừng thì họ đề phòng. Trước đó, năm 2016, có lần tôi thấy gia đình bà Loan chở nhiều bao tải nên có hỏi người hàng xóm của bà. Người này nói vợ chồng bà Loan chở pin", vị công an xã này nhớ lại.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, bà Loan cho biết, bà làm nghề mua tiêu bụi (những tạp chất của cà phê và tiêu sau quá trình sàng lọc gồm bụi, đất đá, hẹt lép, hạt vỡ - PV) từ năm 13 tuổi về sàng lọc những hạt cà phê, tiêu nhỏ, vỡ về bán kiếm lời.
Cuối năm 2016, bà có đăng ký kinh Doanh thu mua nông sản. Việc đăng ký kinh doanh cũng chỉ với mục đích để vay mượn ngân hàng lấy vốn làm ăn chứ nghề mua các tạp chất này cũng không cần đăng ký kinh doanh làm gì.
Do chưa vay được vốn nên từ Tết đến nay, gia đình bà cũng không mua bán gì mà toàn bộ là hàng tồn từ những năm trước.
Trước câu hỏi bà nhuộm các tạp chất với than pin để làm gì, bà Loan trần tình: "Mấy tháng trước, có một người phụ nữ đi mua tiêu bụi tới chỉ vào đống thải loại gia đình phơi trước cửa hỏi mua với giá 3.000 đồng/kg.
Sau đó gia đình đã ủ các tạp chất vào một góc kho để chuyển màu đen như đống tiêu mà người phụ nữ hỏi mua. Khi ủ được một thời gian thì bức tường bị sập, lún nền do tưới nước.
Trong một lần cầm viên pin, chồng tôi thấy tay bị nhuộm đen nên mới nghĩ ra cách mua pin về nhuộm tạp chất cho chuyển thành màu đen để bán cho người phụ nữ hỏi mua".
Bà Loan cho biết: "Chồng tôi đã mua hết 3 triệu đồng tiền pin, pin đang mới được mua gom từ các quán tạp hóa trên địa bàn về nhuộm được khoảng 3 tấn mà công an đã thu giữ. Người phụ nữ hỏi mua lúc đó tôi có lấy số điện thoại nhưng sau đó bị mất điện thoại nên giờ không biết người này ở đâu. Nếu còn số tôi sẽ gọi chửi vì hứa mua mà không tới lấy để gia đình tôi liên lụy."
"Đói quá thì chúng tôi đi xin ăn, để đức cho con cháu chứ lương tâm con người không cho phép làm thế.", bà Loan cho biết thêm.
Đức Hoà (tổng hợp)