Tin mới

Vụ cây "quái thú" bị tạm giữ: Người dân nói các cây như vậy toàn cho không

Thứ năm, 05/04/2018, 10:06 (GMT+7)

Liên quan đến vụ việc có nhiều cây cổ thụ được vận chuyển từ Đắk Lắk theo Quốc lộ 26 xuống Khánh Hòa gây xôn xao dư luận, khi được hỏi về giá bán các cây "quái thú" thì chủ nhân những cây này đều bảo rằng cho không người lạ hoặc bán với giá bèo.

Liên quan đến vụ việc có nhiều cây cổ thụ được vận chuyển từ Đắk Lắk theo Quốc lộ 26 xuống Khánh Hòa gây xôn xao dư luận, khi được hỏi về giá bán các cây "quái thú" thì chủ nhân những cây này đều bảo rằng cho không người lạ hoặc bán với giá bèo.

Khu vực khai thác cây đa "khủng" tại Krông Pắk. Ảnh: TTTT

Theo tin tức trên Tri thức trực tuyến, ngày 4/4, ông Mai Kim Huệ, Chủ tịch UBND xã Krông Búk, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), xác nhận 1 trong 3 cây “khủng” đang bị cơ quan chức năng tạm giữ tại Thừa Thiên Huế có nguồn gốc tại địa phương.

Theo ông Huệ, cây đa sộp "khủng" thuộc đất rẫy của ông Wiên Bya (54 tuổi, ngụ Buôn Krai A, xã Krông Búk).

Tìm đến rẫy của ông Y Wiên tại xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, chủ nhân cây "khủng" trên cho biết, cây đa sộp mọc cách đây hơn 60 năm tại rẫy của gia đình có tán lá rộng, cao gần 20 m. 

Cây đa sộp mọc giữa rẫy nên khó khăn cho gia đình canh tác hoa màu. Tuy nhiên vì cây lớn nên gia đình không thể phá bỏ.

"Đầu mùa mưa năm 2017 cây bị gió thổi nghiêng một bên gây khó khăn cho việc canh tác hoa màu. Gần đây có một số người ngoài Bắc vào xin đào nên gia đình đồng ý”, ông Y Wiên nói và cho biết khi gia đình tặng cây cho những người xin, họ cho lại vài trăm ngàn đồng để mua thức ăn chứ không có bán. Sau khi gia đình cho, nhóm người trên đưa máy vào múc 3 ngày thì đưa cây đi. Khu vực cây mọc trước đây gia đình sẽ dùng để canh tác hoa màu.

Trả lời câu hỏi vì sao không bán, ông Y Wiên cho biết là cây đa có nguồn gốc hơn 60 năm và rất lớn nên có một ít tâm linh. Do đó gia đình không bán mà cho nhóm người trên để trồng ở chùa.

Trên Báo Người lao động dẫn lời ông Trần Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết, một cây đa sộp khác liên quan đến 3 cây "quái thú" đang bị tạm giữ tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế được khai thác tại địa phương có đường kính gốc 1,8m, ngọn 65cm, dài 8m, khối lượng 9,043m3. Cây này được bứng đi vào ngày 12/3 tại khu đất nông nghiệp của ông Thướng.

Ông Phạm Đình Thướng (ở xã Ea Pil, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, chủ nhân của cây) cho biết, ông có người bạn nói có người muốn mua cây đa để đem về ngoài Bắc cúng chùa. Ông cũng đang muốn đốn cây vì ảnh hưởng đến cây trồng khác nên đã đồng ý cho bạn bứng cây đa đi.

Tiện lúc, có máy múc đang múc ao cho gia đình nên tới đào gốc, bạn trả tiền dầu và đưa người vào khai thác, chở đi. Các giấy tờ cũng do những người khai thác cây làm, rồi cây mang đi đâu thì ông không biết.

Ngoài ra, một cây đa "quái thú" của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chung (thôn Giang Hòa, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) cũng bị bứng đi. Ông Chung cho biết: Cây đa này có tuổi đời hơn 50 năm, cao khoảng 14 m và có đường kính gốc khoảng 1,3 m.

Cách đây hơn 1 tháng, có một người đến hỏi mua để tặng cho một nhà chùa. Sau đó, người này làm hết các thủ tục khai thác rồi đưa cho ông Chung ký và đem lên xã xác nhận.

"Tôi đã đồng ý bán với giá 10 triệu đồng. Sau đó, họ thuê 4 máy múc khai thác mất 4 ngày mới đưa được cây đa ra khỏi rẫy. Trước khi khi vận chuyển, họ phải cho xe ủi một con đường đất dài hơn 200m từ rẫy nhà tôi ra đường chính", ông Chung nói.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news