Theo luật sư, CSGT đang làm nhiệm vụ dừng xe không đúng quy định, gây thiệt hại đến người tham gia giao thông thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật tùy thuộc vào hành vi cụ thể và hậu quả xảy ra.
Vừa qua, vụ việc cảnh sát giao thông (CSGT) “giơ chân” khiến người vi phạm giao thông ngã ra đường được đăng tải gây xôn xao dư luận.[mecloud]xtZOMLU2nX[/mecloud]
Theo hình ảnh trong clip được đăng tải trên mạng xã hội, một chiến sĩ CSGT lao ra chặn bắt xe vi phạm. Khi xe cố tình chạy, chiến sĩ công an "giơ chân" lên làm người vi phạm lao vào dải phân cách.
Đáng chú ý, xung quanh sự việc này, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó một số cho rằng việc CSGT “giơ chân” trong clip là phản cảm. Thế nhưng cũng có không ít độc giả ủng hộ cho rằng việc người vi phạm trong clip trên vừa vi phạm gây nguy hiểm cho tính mạng bản thân và người lưu thông trên đường nên việc truy cản là cần thiết.
Nhiều độc giả quan tâm đến việc có quy chuẩn nào về việc CSGT dừng bắt xe vi phạm hay không?
CSGT được phép dừng các phương tiện tham gia giao thông - Ảnh: Thanh Niên |
Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 01/2016/TT-BCA thì CSGT "được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật...".
Tuy nhiên, không phải CSGT muốn dừng phương tiện nào cũng được. Điều 12, Thông tư số 01/2016/TT-BCA thay thế Thông tư số 65/2012/TT-BCA quy định CSGT chỉ được dừng phương tiện đang tham gia giao thông trong 5 trường hợp sau đây:
1. Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
2. Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
3. Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;
4. Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
5. Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Việc dừng phương tiện giao thông có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc dừng phương tiện để kiểm tra trong các trường hợp nêu trên đều phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 12, Thông tư số 01/2016/TT-BCA như sau:
"1. Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) An toàn, đúng quy định của pháp luật; b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông; c) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.".
“Vì vậy, trong trường hợp CSGT đang làm nhiệm vụ mà dừng xe không đúng quy định, gây thiệt hại đến người tham gia giao thông thì phải bồi thường thiệt hại và tùy thuộc vào hành vi cụ thể và hậu quả xảy ra mà phải bị xử lý theo quy định của pháp luật” – luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường phân tích thêm, ngoài ra, trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Tổ trưởng Tổ tuần tra, kiểm soát phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn (tạm giữ người; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính).
Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 165/2013/NĐ-CP Thông tư số 40/2015/TT-BCA ngày 24/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ.
CSGT đột ngột lao ra giữa đường để bắt, truy đuổi người vi phạm là không phù hợp với quy định pháp luật
Từ đoạn clip nêu trên, một số độc giả đặt vấn đề đối với người ngồi sau mà không đội mũ bảo hiểm trong 2 trường hợp. Thứ nhất, nếu người ngồi sau có đội mũ bảo hiểm thì khi bị CSGT bị dừng xe theo kiểu "thô bạo" mà bị ngã gây thương tích thì người này có quyền yêu cầu bồi thường hay không?
Đề cập đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật nước ta luôn có các quy định cụ thể để bảo vệ vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Nếu người nào cố ý hoặc vô ý gây thương tích cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại. Theo quy định pháp luật hiện hành thì hành vi của người thi hành công vụ gây thương tích cho người vi phạm (kể cả người vi phạm đó là người phạm tội) thì người thi hành công vụ cũng không được miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Vì vậy, nếu CSGT dừng xe không đúng quy định gây thiệt hại tài sản, sức khỏe của người tham gia giao thông thì ngoài việc CSGT đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, người này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người tham gia giao thông (tiền chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe; tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút; tiền công người chăm sóc; tiền tổn thất về tinh thần; tiền sửa chữa phương tiện giao thông bị hư hỏng...) theo các quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Về trường hợp thứ hai: nếu người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm thì lấy căn cứ gì để phạt người ngồi đằng sau?
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định bắt buộc người tham gia giao thông bằng mô tô , xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm, kể cả người ngồi đằng sau (từ đủ 6 tuổi trở lên). Nếu người ngồi sau xe mô tô không đội mũ bảo hiểm thì người điều khiển xe mô tô đó phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông chỉ là hành vi vi phạm hành chính. Người thi hành công vụ không được vì thế mà có những hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người vi phạm giao thông. Việc bắt giữ, xử lý vi phạm trước tiên phải đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người vi phạm và an toàn cho những người tham gia giao thông khác.
"Việc CSGT đột ngột lao ra giữa đường để bắt, truy đuổi người vi phạm giao thông là không phù hợp với quy định pháp luật, gây ra những nguy hiểm cho người có dấu hiệu vi phạm và những người tham gia giao thông khác. Hành vi của người thực hiện nhiệm vụ (CSGT) đánh, đạp, tấn công vào người đang tham gia giao thông (có dấu hiệu vi phạm hành chính) khiến họ ngã ra đường gây thương tích hoặc thiệt mạng thì người thực hiện nhiệm vụ đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” – luật sư cho biết.
Tiểu Phương