UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa phê duyệt cưỡng chế 18 công trình ở xã Minh Phúc còn 27 công trình ở xã Minh Trí vẫn chưa xử lý.
Thông tin mới nhất trên báo Lao Động và Người lao động cho hay ngày 1/11, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Sóc Sơn, cho biết UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch cưỡng chế một số công trình vi phạm, đồng thời giao các ban ngành liên quan giám sát quá trình xử lý.
Đất rừng phòng hộ Sóc Sơn bị "xẻ thịt". Ảnh: Lao Động |
Cưỡng chế không triệt để
Theo ông Giang, đến thời điểm này, huyện đã vào cuộc cưỡng chế, 3 hộ dân đã tự tháo dỡ công trình vi phạm và sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào trong quá trình tháo dỡ 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng ở xã Minh Phú.
Việc tháo dỡ sẽ được huyện đôn đốc xong trong tháng 11 này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là 18/45 công trình mà huyện Sóc Sơn khẳng định vi phạm.
Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, cho biết: "Cơ quan chức năng vẫn chưa cưỡng chế 27 công trình vi phạm trên địa bàn xã, thực tế có 22 công trình nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, còn 5 công trình khác nằm ngoài. Hiện các cấp đang thẩm định hồ sơ để xem xét các công trình này được xây dựng trên loại đất gì. Cấp xã đã xác định và báo cáo xong nguồn gốc đất, còn phân loại những công trình này xây dựng trên loại đất gì thì do cấp trên. Phải xác định xong hạn mức và loại đất thì mới biết được mức độ 27 công trình vi phạm. Các công trình này đa phần là của người nơi khác đến, dân trong vùng chiếm số ít".
Cùng ngày, tại khu vực xung quanh hồ Đồng Đò (xã Minh Trí), nơi ngự trị những "biệt phủ" nguy nga, hoành tráng của Hoàng Lê Gia Garden hay các công trình mà cá nhân, tổ chức phải lấp hồ, xẻ núi mới xây dựng được, một số công trình vẫn có công nhân làm việc dù Thanh tra TP đang thanh tra toàn diện và huyện Sóc Sơn đã có chỉ đạo đình chỉ.
"Sổ đỏ" được cấp tràn lan
Theo như kết luận của Sở TN-MT TP Hà Nội năm 2013, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn (tiền thân là Lâm trường Sóc Sơn) được giao quản lý và sử dụng 2.095,5 ha đất thuộc 8 xã của huyện Sóc Sơn.
Sở TN-MT cũng chỉ ra các hộ cá biệt khi xây dựng với diện tích lớn nhưng không có phép như: phủ Thành Chương (xã Hiền Ninh); hộ Ngô Văn Cam, Đỗ Trọng Khánh, Đỗ Mỹ Dung, Đỗ Mỹ Linh (xã Minh Phú); hộ Phạm Tiến Thành, Ngô Thanh Sang (xã Quang Tiến); Nguyễn Văn Bằng (xã Tiến Dược)…
Từ những năm 1978, các hộ gia đình là công nhân lâm trường cũ đã sử dụng đất của lâm trường nhưng không có giấy tờ giao đất. Đến năm 1997, UBND huyện Sóc Sơn cấp "sổ đỏ" với 4.342 m2 cho hộ ông Vũ Văn Tùng (nguyên Phó Giám đốc Lâm trường Sóc Sơn) sử dụng là đất ở lâu dài.
Ông Tùng đã xây dựng công trình nhà và rào xây gạch bao quanh. UBND huyện Sóc Sơn đã điều chỉnh "sổ đỏ" từ 4.342 m2 xuống còn 400 m2 đất ở và 3.942 m2 đất vườn rừng.
Tuy nhiên, hộ ông Tùng vẫn đang sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997 với diện tích 4.342 m2. Hộ ông Vũ Văn Hòa (nguyên Giám đốc Lâm trường Sóc Sơn) được giao 4.000 m2 đất. Sau khi được UBND huyện cấp "sổ đỏ" cho hơn 3.900 m2, gia đình ông Hòa đã xây nhà 1 tầng kiên cố, chuồng chăn nuôi, vườn cây ăn quả và có tường rào bao quanh khuôn viên khu đất.
Cũng theo kết luận, năm 2001, gia đình ông Trương Anh Quân và bà Đỗ Mỹ Linh (ca sĩ Mỹ Linh) nhận chuyển nhượng diện tích 12.691 m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên là công nhân lâm trường). Việc chuyển nhượng đất kể trên đã được UBND xã Minh Phú xác nhận. Bên cạnh đó, UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 600 m2/12.691 m2 đất rừng phòng hộ. Năm 2009, gia đình ông Quân, bà Linh xây dựng các công trình nhà ở, phòng thu và các công trình phụ cận: 1 nhà ở và 1 phòng thu 390 m2, 1 bể bơi 60 m2 và các công trình phụ trợ khác.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhận định: "Năm 2013, ông Nguyễn Hữu Nghĩa (thời đó là Phó Giám đốc Sở TN-MT) đã nói rõ huyện Sóc Sơn cho chuyển nhượng đất, cấp "sổ đỏ" trên đất rừng phòng hộ là trái pháp luật.
Nhưng sau đó, các cấp chính quyền vẫn không xử lý nên mới xảy ra tình trạng xây dựng tràn lan, trái phép như hiện nay. Theo pháp luật, nếu đã cấp sai thì cơ quan cấp (UBND huyện Sóc Sơn) phải cưỡng chế, thu hồi "sổ đỏ" đã cấp, không thể có cách giải quyết nào khác, trường hợp "phạt tiền cho tồn tại" càng không được phép thực hiện".
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Theo luật, cấp sổ đỏ cho các cá nhân, hộ gia đình thì thuộc thẩm quyền của huyện; cấp sổ đỏ cho các cơ quan nhà nước thì thuộc thẩm quyền của tỉnh. Huyện cấp sai thì có thể thu hồi nhưng phải bồi thường thiệt hại cho người dân. Như vậy, huyện sẽ phải chuẩn bị các khoản ngân sách rất lớn để đền bù cho người dân".
Minh Di (tổng hợp)