Tin mới

Vụ điểm thi cao bất thường ở Hà Giang: Phó phòng khảo thí sửa điểm sẽ đối diện với hình thức xử phạt nào?

Thứ ba, 17/07/2018, 16:29 (GMT+7)

Theo luật sư, hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, người này có thể bị phạt ít nhất là 12 tháng và cao nhất là 20 năm tù tùy theo mưc độ phạm tội.

Theo luật sư, hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, người này có thể bị phạt ít nhất là 12 tháng và cao nhất là 20 năm tù tùy theo mưc độ phạm tội.

Liên quan đến vụ việc sửa điểm ở Hà Giang, trao đổi với PV Infonet, Luật sư Nguyễn Hào Hiệp (Liên đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các kỳ thi nói chung và kỳ thi THPT quốc gia phải được tổ chức công bằng, nghiêm túc, khách quan. Mọi sự sai sót, sự cố hay có dấu hiệu tiêu cực nếu có đều phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh.

Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.

Việc xử lý tùy theo mức độ sai phạm, đặc biệt có thể buộc thôi việc, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau:

Điều 48. Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi

1. Người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

d) Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:

- Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi;

- Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi;

- Làm lộ số phách bài thi;

- Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh;

- Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm;

- Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh;

- Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.

 (Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT)

Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm.

Cũng trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty luật Bảo An - cho rằng nếu có người sửa điểm, làm lại hay làm thêm vào bài thi để có điểm cao thì hoàn toàn đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự nhằm làm rõ ai phạm tội, phạm tội gì, mức độ đến đâu.

Hành vi sửa điểm có thể bị xem xét về tội Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù lên đến 20 năm, thấp nhất 12 tháng, tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.

 

Luật sư Vũ Tiến Vinh. Ảnh Tri thức trực tuyến

Bên cạnh đó, quá trình điều tra, cơ quan chức năng có thể trưng cầu khoa học giám định hình sự; có thể tiến hành ngẫu nhiên một số hội đồng thi để phát hiện bất thường hoặc cũng có thể lấy các trường hợp học sinh có kết quả học tập của ba năm cấp 3 ở mức trung bình nhưng có điểm tốt nghiệp cao bất thường.Cụ thể:

Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trước đó, theo tin tức từ Thanh Niên, tại cuộc họp báo chiều nay, đại diện đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cho biết,ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD - ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Về hành vi cụ thể vi phạm của ông Lương, đại diện A83 cho biết, quy trình quét bài thi trắc nghiệm hàng năm, ông Vũ Trọng Lương trực tiếp phụ trách và ông này dùng chiếc máy tính được Sở GD - ĐT giao để thực hiện nhiệm vụ quét bài thi. Ông Lương đã tải về toàn bộ dữ liệu về máy, có rất nhiều số điện thoại gửi về và nhập điểm theo số điện thoại đó trong... 6 giây để chỉnh sửa điểm cho một thí sinh.

Quy trình thanh tra, Bộ và Sở chưa chặt chẽ khi để ông Lương xử lý tất cả bài thi của thí sinh, trong khi thành viên Ban giám sát ngồi ở đó. Những thành viên tham gia về cơ bản không nắm được thao tác, quy trình này nên để tạo kẽ hở ông Lương qua mặt. Ông Lương đã có thời gian từ 12 giờ đến 14 giờ 38 ngày 27/6 chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng Khảo thí. Trong 2 tiếng này, ông đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án.

Dù khẳng định hiện chưa phát hiện cá nhân nào phối hợp với ông Lương trong 2 tiếng đó, nhưng theo đại diện A83, xem xét thực tế cho thấy nếu chỉ thực hiện một mình thì rất khó với ông Lương, vì vậy đại diện A83 đã xem xét xem có cá nhân nào phối hợp cùng ông Lương.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news