Là dòng điện thoại "cùi bắp" nhưng để mua được chỉ những người thực sự đam mê mới dám bỏ số tiền lớn đến vậy để mua một chiếc điện thoại không phải dòng Smartphone.
Anh Tiến bị Công an Q.10 xử lý hành vi kinh doanh trái phép điện thoại cũ. Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo thông tin báo chí phản ánh, sau khi khám xét khẩn cấp tại cửa hàng buôn bán sửa chữa điện thoại đi động của anh Dương Trọng Tiến (31 tuổi, tạm trú Q.10, TP.HCM), Công an Q.10 tạm giữ 40 chiếc điện thoại di động (trong đó có 8 máy khách gửi sửa), 38 sạc điện thoại và sổ sách, biên nhận sửa chữa cho khách. Toàn bộ 40 điện thoại bị tạm giữ hiệu Nokia dòng 6700, 8600 và 8800 đã ngưng sản xuất từ năm 2005 - 2009.
Nhiều dân chơi có thể bỏ 20 triệu để vác về một chiếc điện thoại nhìn giống giống “cục gạch” màn hình bé tí, phím bấm, nắp trượt. |
Theo điều tra viên Võ Quốc Khánh cho biết hội đồng định giá của Q.10 xác nhận số điện thoại trên được định giá hơn 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu theo giá thị trường chợ đen thì toàn bộ số điện thoại được cho là "cùi bắp" trên có thể dao động trên dưới nửa tỷ đồng.
Anh Kiên một chủ cửa hàng điện thoại trên phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội, cho biết, nhìn vào số điện thoại bị tạm giữ toàn dòng Nokia cao cấp trước đây, dù giá của các sản phẩm trên khi xuất xưởng chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng đối với loại 8800. Tuy nhiên, theo thời gian giá trị của dòng điện hạng sang này không hề giảm, thậm chí chỉ có tăng vì sự ưa chuộng cùng đẳng cấp huyền thoại một thời.
"Một chiếc Nokia 6700 gold nếu vỏ xịn, hình thức đẹp máy chưa sửa chữa cũng có giá lên đến 10 triệu đồng, còn 8800 tùy theo loại đắt nhất là Gold Arte cũng có giá lên đến 30-40 triệu đồng.", anh Kiên nói.
Nếu theo lời anh Kiên thì 40 chiếc điện thoại "cùi bắp" của anh Tiến bị tạm giữ có giá không dưới nửa tỷ đồng.
Cũng theo anh Kiên, phụ kiện để thay thế dòng điện thoại này không hề rẻ chút nào, khi máy gặp trục trặc cần sửa chữa hoặc thay cáp cũng lên đến vài triệu.
Vì vậy, mặc dù là dòng điện thoại "cùi bắp" nhưng để mua được chỉ những người thực sự đam mê mới dám bỏ số tiền lớn đến vậy để mua một chiếc điện thoại không phải dòng smartphone.
Theo anh Dũng chủ một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại tại Trần Duy Hưng cũng khẳng định, dòng điện thoại Nokia chưa bao giờ là hết thời. Những người dùng phổ thông chỉ cần bỏ ra khoảng 5 đến 10 triệu đồng có thể sở hữu một chiếc smartphone với đầy đủ tính năng cần thiết. Tuy nhiên, với một số người, chơi điện thoại cũng giống như niềm đam mê đồ cổ, việc không "đụng hàng" được ưu tiên hàng đầu.
Thực tế, dòng điện thoại Nokia 6700, 8600 và 8800 đã khẳng định được đẳng cấp cũng như thương hiệu trước khi dòng Samsung trỗi dậy và sự xuất hiện của iPhone. Anh Dũng cho biết thêm giá 1 bộ vỏ 6700 gold xịn bóc máy có giá lên đến 4 triệu đồng, thậm chí còn hơn, tùy từng thời điểm.
Trở lại vấn đề việc anh Tiến chủ cửa hàng kinh doanh điện cũ tại TP HCM có thể bị khởi tố.
Trao đổi trên Tuổi trẻ anh Tiến cho biết: “Đó là toàn bộ kế sinh nhai của tôi, có nhiều chiếc là điện thoại khách gửi sửa, giờ công an giữ hết rồi”.
Năm 2010, sau khi xuất ngũ, anh Tiến đi học sửa chữa điện thoại làm kế mưu sinh, lo cho vợ con và cha mẹ già. Do không có vốn mở tiệm, đặt quầy nên Tiến chỉ sửa chữa tại nhà.
Hằng ngày, anh nhận sửa điện thoại và mua bán điện thoại cũ, chủ yếu là Nokia cho những người yêu thích dòng điện thoại này. Lần đầu tiên Tiến biết đến giấy phép kinh doanh khi Công an Q.10 đến khám xét.
“Nếu tôi chưa đăng ký kinh doanh thì cơ quan công an nên giải thích và hướng dẫn cho tôi thủ tục đăng ký, sao lại quy tôi tội kinh doanh trái phép?” - Tiến thắc mắc.
Theo luật sư Tôn Thất Hồ Nghị: "Lẽ ra cơ quan chức năng chỉ cần nhắc nhở (vì chưa vi phạm lần nào) và hướng dẫn anh thực hiện đăng ký hộ kinh doanh cho phù hợp và bảo đảm đóng thuế cho Nhà nước. Như vậy hợp lý hợp tình hơn".
Ngày 11/8, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban nhân dân TP HCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ sự việc trên và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2016.
Đức Hòa