Những trường hợp người trẻ tuổi ở các quốc gia được bổ nhiệm vào các vị trí cao không phải là chuyện hiếm.
Ở Thụy Điển, nữ chính trị gia Aida Hadzialic từng giữ chức Phó Thị trưởng thành phố Halmstad ở tuổi 23 và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng của nước này khi mới 27 tuổi. Ở Cộng hòa Tajikistan, Tổng thống Emomali Rahmon đã đề bạt con trai mình là Rustam Emomali (28 tuổi) vào vị trí lãnh đạo Cơ quan giám sát tài chính quốc gia và chống tham nhũng của nước này. Ở tuổi 29, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz hiện đang là Bộ trưởng ngoại giao trẻ nhất châu Âu…
"Tuổi trẻ tài cao" dễ làm nên nghiệp lớn. Nhưng làm nên "nghiệp lớn" thì không nhất thiết "tuổi trẻ tài cao". Nhìn lại Đông - Tây kim cổ, Khương Tử Nha 80 tuổi mới ra giúp nước. Ở Mỹ, tổng thống Reagan - người được xem là một trong những tổng thống xuất sắc nhất trong lịch sử nước này - kết thúc nhiệm kỳ nắm quyền ở tuổi 78.
Nói như vậy, trong việc việc bổ nhiệm hay đề cử một người, "tuổi trẻ tài cao" chỉ là một yếu tố "để cân nhắc". Điều quan trọng phải là "chính tích" (có thể hiểu là thành tích trong công việc). Vị trí càng cao, "chính tích" càng phải lớn. Đem giao công việc đất nước cho một người "tuổi trẻ tài cao" kiểu "ba tuổi bắn súng, tám tuổi lái xe" mà không có chính tích gì thì gây lo ngại hơn là hy vọng!
Lại nói câu chuyện của vị Giám đốc Sở trẻ tuổi miền đất Quảng – Lê Phước Hoài Bảo gây rúng động dư luận không phải vì người này có tài năng thiên bẩm hay có bất kỳ đóng góp đột phá nào đối với sự phát triển kế hoạch – đầu tư tỉnh nhà. Cụ thể, lược qua về hồ sơ của tân Giám đốc Sở, bạn đọc chỉ thấy lặp lại các từ “bổ nhiệm” mà không thấy có bất kỳ thông tin nào về “công trạng” của cá nhân.
Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp công chức nhà nước của người thanh niên trẻ tuổi chỉ vẻn vẹn… 2 năm. Bên cạnh đó, sự nghiệp học hành cũng ly kỳ không kém. Và với khoảng thời gian công tác đó, người thanh niên trẻ tuổi được bổ nhiệm liên tiếp với tốc độ… thần kỳ. Thậm chí chỉ trong vòng nửa năm, người này được thăng liền 2 cấp, lên phó, rồi lên luôn chức Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam khi tuổi tác chỉ mới kịp bước vào 30.
Tân Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Nam được bổ nhiệm ở tuổi 30 |
Nếu thực sự vị Giám đốc trẻ là một người xuất chúng thì trước khi được bổ nhiệm, có lẽ ông Bảo đã được nhân dân cũng như công luận biết tới nhờ tài năng và đóng góp xã hội to lớn của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, mãi sau khi được bổ nhiệm, ông mới “nổi lên” như một hiện tượng lạ về mọi phương diện: từ quy trình được bổ nhiệm, thâm niên công tác, kinh nghiệm nghề nghiệp, bằng cấp học vấn... Do đó, việc dư luận thấy chuyện lạ lùng, bắt đầu đem vấn đề của ông này ra tìm hiểu, đánh giá và biến nó thành tâm điểm bình luận suốt thời gian qua cũng là chuyện dễ hiểu.
Thực tế, việc bổ nhiệm cán bộ trẻ vào các vị trí chủ chốt trong giai đoạn hiện nay luôn được coi là cần thiết và bất kỳ cá nhân nào có đủ năng lực, uy tín đều xứng đáng với các vị trí đó. Và đối với trường hợp của tân Giám đốc Lê Phước Hoài Bảo, chưa cần kể tới yếu tố năng lực thì riêng uy tín của người thanh niên trẻ tuổi này đã có thể dễ dàng đánh bại bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. Bằng chứng là khi lấy phiếu tín nhiệm ông Bảo tại Sở KH&ĐT thì 100% cán bộ chủ chốt đều nhất trí. Lãnh đạo cấp ủy của Sở cũng nhất trí 100% và con số tỷ lệ này cũng được giữ vững ở cấp ở tỉnh.
Do vậy, khi dư luận ồn ào về một vị quan chức "tuổi trẻ tài cao", nên chăng hãy bớt tập trung vào độ tuổi người đó. Thay vào đó, hãy xem vị quan chức đó ĐÃ làm được gì và CAM KẾT thực hiện những gì ở cương vị mới.
Vũ Đậu