Mặc dù lãnh đạo TP.Hà Nội đã đăng đàn khẳng định “không có lợi ích nhóm” trong việc đốn hạ 6.700 cây xanh, tuy nhiên nhiều câu hỏi vẫn gieo vào lòng người dân.
- Chặt cây xanh Hà Nội: Sở Xây dựng trả lời kiểu “có cho xong”
- “Người bí ẩn” trong buổi họp báo chặt cây HN: Chẳng ai mời tôi cả
Nếu không có “chiến dịch” này, tại sao lại có hàng trăm thân cây khỏe mạnh bị “xẻ thịt”, nhiều tuyến phố ngổn ngang chẳng khác gì công trường khai thác gỗ? Nếu không có “tráp” của lãnh đạo chính quyền thành phố, những cán bộ cấp dưới của sở Xây dựng Hà Nội có gan “hóa kiếp” hàng nghìn cây xanh?
Ai là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng cho đề án vội vàng này? Để mổ xẻ mọi khía cạnh của câu chuyện, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia pháp lý và các cựu cán bộ, lãnh đạo để phân tích kỹ vấn đề đang gây bão dư luận này...
Ai sẽ phải “đứng mũi chịu sào”?
Tiếp tục diễn biến xung quanh vụ “xẻ thịt” cây xanh, trong một động thái mới nhất, PV báo ĐS&PL đã tiếp cận được văn bản 2366/SXD-KHTH phản hồi về những câu hỏi mà chính quyền TP. Hà Nội còn “nợ” báo chí trong cuộc họp báo cách đây ít ngày.
Trả lời cho câu hỏi “Ai là người thẩm định, quyết định những cây cần chặt”, lãnh đạo sở Xây dựng cho biết, sở Xây dựng cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh theo Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14/5/2010 của UBND thành phố ban hành Quy định về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn thành phố.
Hàng loạt cây xanh đã bị “xẻ thịt” vội vàng.
Trước khi tiến hành cấp phép chặt hạ, dịch chuyển, tổ công tác bao gồm sở Xây dựng, ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và UBND phường sở tại kiểm tra, có biên bản và ảnh chụp lưu xác định tình trạng cây xanh, đóng dấu của UBND phường sở tại làm cơ sở cấp phép.
Trước câu hỏi về số lượng cây bị chặt, sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ tháng 11/2014 đến đầu năm 2015, triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố, trong đó: Di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây. Kinh phí do các đơn vị ủng hộ, chi trả, hiện chưa thanh quyết toán.
Về số phận các cây đã bị đốn hạ, theo Sở này, số lượng gỗ, củi đã chặt hạ được tập kết tại kho của các đơn vị, sở Xây dựng phối hợp lập hồ sơ quản lý, hiện chưa bán. Sở Tài chính sẽ phối hợp với sở Xây dựng tổ chức xác định giá, đối với các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá và toàn bộ số tiền thu được nộp ngân sách theo quy định.
Đặc biệt, cũng tại văn bản 2366, sở Xây dựng tiếp tục khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, số cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Cầu Giấy) là cây vàng tâm, dù trước đó, một số nhà khoa học đã trực tiếp nghiên cứu tại thực địa và nhấn mạnh đó là cây gỗ mỡ. “Nói như Hà Nội là không có cơ sở khoa học”, TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc trung tâm bảo tồn Thực vật Việt Nam phản bác lại câu trả lời của phía sở Xây dựng và đề nghị: “Hà Nội hãy trả lời cây vàng tâm có tên khoa học là gì thì mới thuyết phục, nếu không, hãy mời các nhà khoa học vào cuộc”.
Đặc biệt, một vấn đề mà dư luận đang vô cùng quan tâm là trách nhiệm của người đứng đầu lại chưa được Sở này đề cập đến. Được biết, cơ quan chức năng cũng đã công khai danh tính các cán bộ bị tạm đình chỉ công tác gồm Trưởng, Phó phòng và một cán bộ của phòng Quản lý hạ tầng môi trường và công trình ngầm.
Như vậy, một số cán bộ tham gia vào hoạt động này đã bị tạm đình chỉ công tác. Thế nhưng, vai trò của lãnh đạo UBND thành phố, đặc biệt là người trực tiếp chuẩn y cho đề án này vẫn chưa được nhắc đến, ngoài tuyên bố sẽ... “rút kinh nghiệm”. Đành rằng, sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị “đứng mũi chịu sào”, nhưng liệu họ có gan “thổi bay” lá phổi xanh của Thủ đô và thay vào đó là các cây gì vẫn còn gây tranh cãi?
Dư luận chờ đợi cách xử lý của Hà Nội
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV cũng không giấu được sự bức xúc về việc Hà Nội đốn chặt hàng loạt cây xanh vừa qua. Theo tướng Thước, việc chỉnh trang đô thị để cho tốt hơn là chủ trương đáng hoan nghênh, nhưng làm gì cũng phải có tuyên truyền, lấy ý kiến người dân. Một dự án cộng đồng mà làm đồng loạt, ào ào khiến người dân phản ứng, thắc mắc là điều không hay.
Vị tướng từng là Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên cho rằng, việc chặt cây xanh của Hà Nội dân chưa thuận, chứng tỏ vai trò lãnh đạo, quản lý chưa trúng, chưa đúng. Một lần đưa ra mà dân nghi ngờ, sau này, các chủ trương đưa ra dù đúng, người ta cũng đặt câu hỏi. Hà Nội được mệnh danh là thành phố hoà bình, thành phố cây xanh, vậy mà việc đốn hạ hàng loạt để rồi sau đó 5 - 7 năm mới có lại bóng mát như xưa thì ai chẳng xót xa.
“Theo cá nhân tôi, trách nhiệm không chỉ thuộc riêng các cán bộ sở Xây dựng. Bởi một chủ trương đề án lớn liên quan đến Thủ đô thì chắc chắn phải được họp bàn, thảo luận nhiều lần trước khi một cá nhân ký quyết định. Rõ ràng, từ lãnh đạo cho đến các cán bộ tham mưu phải chịu trách nhiệm trước dân. Nếu nghiêm chỉnh, các lãnh đạo thành phố nên đứng ra xin lỗi người dân. Một quyết định mất lòng dân thì sau này những quyết định khác cũng khó mà có được lòng tin của dân”, Tướng Thước nói.
Tướng Thước đánh giá cao quyết định tạm dừng chặt cây của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Ông cho rằng, quyết định này bước đầu tạo niềm tin, sự chờ đợi vào kết quả xử lý của thành phố. Nhưng tất cả vẫn phải chờ sau 30 ngày tới xem việc thanh tra sẽ làm sáng tỏ, minh bạch đến đâu. Thêm nữa, vấn đề nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý cá nhân có liên quan như thế nào?
Tướng Thước nêu ý kiến: “Dư luận chờ đợi và lúc đó, mới có thể đánh giá xem Hà Nội có nghiêm túc, tôn trọng ý kiến của dân không. Nếu như để giảm sức nóng phản ứng của dư luận rồi tuyên bố hùng hồn, có vẻ là nghiêm túc nhưng cuối cùng lại “đầu voi, đuôi chuột”, mọi việc giải quyết không minh bạch, xử lý giơ cao đánh khẽ, sẽ tiếp tục làm người dân mất niềm tin”.
Cũng trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hoá & Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích: “Đã là người quản lý phải có văn hoá lãnh đạo. Biểu hiện quan trọng nhất là ở năng lực ra quyết định. Hơn ai hết, họ phải ra những quyết định chính xác. Một quyết định liên quan đến đời sống của xã hội, nhân dân cần độ chuẩn xác lớn”.
Theo PGS. Đức, thời gian qua, không chỉ có quyết định chặt cây xanh của Hà Nội gây bức xúc dư luận mà nhiều quyết định ban hành rồi thu hồi, thậm chí thực thi nhưng gây bức xúc đến mức phải tạm dừng. Những quyết định gây tranh cãi này biểu hiện trình độ của người quản lý. Trình độ ấy biểu hiện ở việc ra quyết định thế nào cho chính xác.
Tất nhiên, sau khi quyết định, không phải quyết định nào cũng chính xác 100% nhưng khi dư luận phản ứng, cần thể hiện văn hoá ứng xử là nghiêm túc, cầu thị. Nói rộng ra là cần thái độ biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác, cũng như dư luận. Nếu như quyết định sai mà đổ lỗi cho người khác, chẳng khác nào không tôn trọng chính mình.
“Qua những sự kiện vừa xảy ra tại Hà Nội, thiết nghĩ lãnh đạo Hà Nội cần phải suy nghĩ về vị thế, tầm của mình”, vị này nhấn mạnh.
Trong cuộc trao đổi với PV báo ĐS&PL, rất nhiều chuyên gia (đề nghị không nêu tên) cũng đã thẳng thắn nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo chính quyền thành phố, đặc biệt là ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – người đặt bút ký đề án này. Mặc dù ông Hùng cho rằng, “không hề có tham nhũng, tiêu cực hay lợi ích nhóm” trong đề án đốn hạ 6.700 cây xanh nhưng dư luận vẫn không tránh khỏi hoài nghi.
Thế giới bảo vệ cây xanh đô thị như thế nào? Trên thế giới, việc chính quyền quyết định chặt bỏ cây xanh trên các tuyến phố, công viên đều vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Tuy nhiên, người dân cũng phản đối theo những cách khác nhau. Tại Pháp, những hàng cây nằm dọc các đường quốc lộ tạo nên cảnh quan thơ mộng cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, một dự luật an toàn giao thông Pháp hồi đầu tháng cho rằng chúng là mối đe dọa và yêu cầu chặt hạ tất cả các cây “nằm quá sát đường” để tránh tai nạn chết người. Hơn 10.000 người dân đã ký tên vào hai đơn kiến nghị nhằm kêu gọi chính phủ hủy bỏ kế hoạch này. Tại Anh, theo tờ Telegraph, hồi đầu tháng 2, nhiều người dân ở thành phố Bristol (Tây Nam nước Anh) xuống đường biểu tình, thậm chí ngồi trên cây suốt đêm, để phản đối việc chặt hàng loạt cây xanh phục vụ dự án xây dựng tuyến xe buýt mới. Đợt biểu tình kéo dài suốt 6 tuần gây tổn thất hàng trăm nghìn bảng Anh. Năm 2010, hơn 1.000 người Đức ở thành phố Stuttgart cũng biểu tình ngồi để phản đối việc phá bỏ công viên Schlossgarten để xây nhà ga mới, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có cả người già và trẻ em. Dự án gây tranh cãi một phần vì chi phí quá cao (5,38 tỉ USD), một phần vì cây cối trong công viên Schlossgarten bị chặt hạ. Dự án cũng bị chỉ trích vì phá vỡ cảnh quan của thành phố. Tháng 9/2011, khi chính quyền thành phố Bangalore (Ấn Độ) có kế hoạch chặt bỏ một số cây cổ thụ dọc đường Sankey, nhiều nhà hoạt động, người dân đã tham gia biểu tình, không rời khỏi những cây này suốt 24 giờ và treo băng-rôn “No Trees No Future” (Không có cây, không có tương lai). Đoàn biểu tình diễu qua văn phòng Thị trưởng để nộp lá đơn tập hợp chữ ký yêu cầu chính quyền hỏi ý kiến người dân trước khi chặt hạ cây xanh. Tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu về cây xanh Ngày 16/6/1963, ông Lý Quang Diệu (lúc đó đang là Thủ tướng), trồng cây ở Farrer Circus để bắt đầu hành trình phủ xanh Singapore. Ông tin rằng cây xanh sẽ làm giảm sự khắc nghiệt quá trình đô thị hóa của đảo quốc sư tử, làm đẹp thành phố và làm cho môi trường Singapore “thuận lợi” để người dân sinh sống. “Sau độc lập, tôi tìm kiếm con đường ấn tượng để phân biệt chúng tôi với các nước thế giới thứ ba khác. Và đó là một Singapore xanh và sạch”, ông viết trong cuốn hồi ký năm 2000. Sự kiện này là nguồn cảm hứng của chiến dịch trồng 1.963 cây được nhiều người hưởng ứng. Quỹ cây xanh thành phố đóng góp 470 nghìn USD vào chi phí trồng cây để phủ xanh Singapore. 1.963 cây xanh đã được trồng tại đảo quốc sư tử do các cá nhân và tổ chức thực hiện. |
NHÓM PV (Đời sống pháp luật)