Tin mới

Vụ hơn 11 nghìn hộp sữa bị tiêu hủy oan: Không hiểu hết văn bản chỉ đạo, tốt nhất nên chuyển công tác

Thứ hai, 09/04/2018, 15:39 (GMT+7)

Vụ việc hơn 11 nghìn hộp sữa của công ty sữa Vinamilk trao tặng cho UBND xã Suối Thầu (Sa Pa, Lào Cai) nhưng sau đó số sữa này không được chuyển cho các em học sinh sử dụng mà lại được đưa vào kho và để đến khi gần hết hạn sử dụng đem đi tiêu hủy khiến dư luận người dân hết sức bất bình.

Vụ việc hơn 11 nghìn hộp sữa của công ty sữa Vinamilk trao tặng cho UBND xã Suối Thầu (Sa Pa, Lào Cai) nhưng sau đó số sữa này không được chuyển cho các em học sinh sử dụng mà lại được đưa vào kho và để đến khi gần hết hạn sử dụng đem đi tiêu hủy khiến dư luận người dân hết sức bất bình.

 Hình ảnh hơn 10.000 hộp sữa từ thiện bị mang đi tiêu hủy khiến dư luận không khỏi bất bình, xót xa.

Việc hơn 11.000 hộp sữa Từ thiện bị mang đi tiêu hủy khiến dư luận không khỏi bất bình, xót xa. Ảnh: FB

Mới đây, báo chí và các trang mạng xã hội đưa tin kèm hình ảnh chính quyền xã Suối Thầu, huyện Sa Pa tiến hành thiêu hủy hơn 11.000 hộp sữa đoàn từ thiện ủng hộ trẻ em của xã do sắp hết hạn sử dụng khiến dư luận hết sức bức xúc về sự lãng phí và tắc trách của cấp chính quyền cơ sở.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, việc hơn 11.000 hộp sữa từ thiện gửi tặng 2 trường học tại xã Suối Thầu, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bị "om" trong kho suốt 4 tháng và phải mang đi tiêu hủy vì sắp hết hạn, là do nhà trường hiểu sai văn bản chỉ đạo của cấp trên.

Cụ thể, sau khi UBND tỉnh nhận được văn bản số 5198/BGDĐT-GDTH, ngày 06/11/2017 về việc tạm dừng triển khai Chương trình sữa học đường. Nội dung của văn bàn là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tạm ngừng chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh đối với sản phẩm của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. UBND tỉnh đã ban văn bản số 988/PVUBND-VX ngày 22/11/2017 về việc tạm dừng triển khai Chương trình sữa học đường, với nội dung chỉ đạo truyền đạt lại công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng do không nghiên cứu kỹ văn bản và nhầm lẫn các đơn vị cung cấp nên 2 đơn vị Trường Mầm non xã Suối Thầu và Trường Tiểu học xã Suối Thầu đã không phát sữa cho học sinh sử dụng. Đến khi gần hết hạn, 2 trường trên đã báo cáo Phòng GD&ĐT huyện Sa Pa và chính quyền xã Suối Thầu để làm thủ tục tiêu hủy toàn bộ số sữa vào ngày 5/4/2018.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã nghiêm khắc nhắc nhở Ban giám hiệu hai trường học để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.

Nhìn nhận sự việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, giả thiết nếu trong văn bản chỉ đạo của tỉnh thông báo kể từ ngày này không dùng sản phẩm sữa được tài trợ, mà không giải thích là không dùng sản phẩm của hãng sữa cụ thể nào, mà ông chỉ nói là sữa tài trợ không dùng thì trách nhiệm trong câu chuyện này là của người đặt bút ký thông báo đó.

Còn nếu các địa phương nhận được công văn “chuẩn”, chỉ đích danh hãng sữa nào không được sử dụng, nhưng địa phương lại hủy tất cả các hãng sữa khác thì lỗi chủ yếu của địa phương kia.

"Ở đây phải nói là việc không sử dụng hơn 11 nghìn hộp sữa để đến khi nó hết hạn không chỉ là sự lãng phí mà nó còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chính quyền. Cho dù là không cố ý nhưng mà do non kém, yếu kém mà gây ra sự lãng phí về tiền của doanh nghiệp hay tiền của ai thì cũng là lãng phí. Cần phải xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương này", trên Người đưa tin dẫn lời luật sư Ứng nói.

Theo luật sư Ứng, vụ việc này cần xem xét trách nhiệm, có thể không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nếu như năng lực yếu, không hiểu hết văn bản chỉ đạo, tốt nhất nên chuyển làm công việc khác cho phù hợp và đặc biệt không nên làm lãnh đạo.

“Người ta có tấm lòng ủng hộ mà các ông các bà không sử dụng, hoặc có những cái hiểu sai lầm, không sử dụng đúng làm tổn thương các doanh nghiệp, các nhà mạnh thường quân khiến nó gây nên nhiều hệ quả”, luật sư Ứng nhấn mạnh và cho rằng phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến vụ việc này.

Nếu xác định văn bản của tỉnh “chưa đúng” thì cũng cần phải nghiêm khắc xử lý. Còn nếu chính quyền cấp cơ sở huyện, xã không hiểu đúng văn bản chỉ đạo của cấp trên thì cũng phải  xem xét xử lý. Muốn tiêu hủy anh phải thành lập ban bệ, hội đồng để tiêu hủy, mà trong hội đồng thì nhiều người. Những người nào trong hội đồng tiêu hủy này cũng phải chịu trách nhiệm.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news