Dù mới là ngày đầu mở cửa miễn phí chào hè 2015, công viên nước Hồ Tây đã ngay lập tức thành tâm điểm chú ý của dư luận với nhiều điều đáng phê phán, đáng xấu hổ phía sau sự kiện mang tính cộng đồng.
Đó là cảnh chen lấn xô đẩy rất phản cảm của người dân đến thụ hưởng hai từ “miễn phí”. Nhiều người không ngại nguy hiểm, trèo tường, vượt rào sắt cố chạm chân tới cái ngưỡng miễn phí để được thỏa sức vùng vẫy.
Câu chuyện hỗn loạn, chen chân giành đồ miễn phí không phải lần đầu xảy ra. Trước đó, người dân đã từng chứng kiến cảnh hỗn loạn không kém ở những tụ điểm mua hàng giảm giá, uống bia miễn phí, ăn sushi miễn phí, nhận áo mưa miễn phí… Dường như, cứ cái gì miễn phí là gắn liền với chen chúc, xô đẩy, thậm chí sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để thỏa mãn sự thụ hưởng.
Rách váy vì tắm miễn phí. |
Video cả nhóm thanh niên "quây" cô gái trong bể bơi
Kết quả xả hơi, giải trí đâu chưa thấy mà rất nhiều câu chuyện đau lòng đã chình ình trên mặt báo. Có những nhóm nam thanh niên tụ tập, lợi dụng tình cảnh đông đúc hễ gặp cô gái nào là kéo xuống nước dìm rồi sàm sỡ, xé bikini của họ. Đáng buồn, đây chỉ là một trong rất nhiều hành động vô ý thức được cư dân mạng chia sẻ.
Hà Lê: Tiền vé gửi xe lại đắt quá tội “miễn phí”. Kền kền giữ xe quanh công viên này tha hồ “hốt bạc” nhé.
Nam Phong: Quản lý quá kém. Dù có cố gắng để xây dựng văn minh Thủ đô thì cũng chỉ là muối bỏ bể.
Kim Long: Chỉ là chiêu trò hút khách cũ rích. Miễn phí kiểu này coi chừng mất mạng như chơi.
Lan Anh: Đúng là miễn phí có khác. Đông trẻ trâu thật đấy.
Người của công viên nước Hồ Tây ở đâu trong cảnh chen lấn xô đẩy ấy? Xin thưa, các anh bảo vệ cũng phải cố tìm một chỗ trống nào đó để né dòng người ồ ạt sau giây phút mở cửa. Còn các vị lãnh đạo, có lẽ, họ còn bận ước lượng Doanh thu mùa hè này sẽ tăng bao nhiêu ở một phòng lạnh nào đó.
Trèo rào bấp chấp nguy hiểm. |
Vậy là “sống chết mặc bay”, rừng người đông nghìn nghịt, ai có sức thì sống, không trụ vững thì sứt đầu mẻ trán là khó tránh.
GS.TS. Lê Thị Quý, Viện trưởng viện Nghiên cứu Giới và Phát triển: Cách tổ chức của công viên nước hồ Tây rất kém
GS.TS. Lê Thị Quý. |
Tại sao công viên nước Hồ Tây để xảy ra sự việc phản cảm như vậy? Việc công viên nước Hồ Tây cho một ngày tự do vào cửa tưởng như là tốt nhưng thực tế lại không phải vậy. Trong thời gian gần đây, nhiều lễ hội đã có sự chen lấn xô bồ để tranh cướp lộc thánh. Bài học ấy còn chưa ráo mực.
Đây là biểu hiện của sự hám lợi. Việc người ta vì một vài cái lợi nhỏ mà tranh giành nhau thật đáng xấu hổ. Họ dường như đã quên danh dự của bản thân mình.
Trước hết, theo tôi là phải phê bình cách tổ chức của công ty công viên nước Hồ Tây. Họ tổ chức ra một sự kiện mà để người dân chen lấn, xô đẩy phản cảm như vậy là rất kém. Thứ hai là, nhiều người chỉ thấy miễn phí là cố lao vào. Những cái vé miễn phí ấy chỉ là một nguồn lợi nhỏ, rất nhỏ. Vậy mà người ta giẫm đạp nhau, gây thương tích, thậm chí có thể là cái chết cho người khác thì không thể chấp nhận được. Hơn nữa, nhiều người mặc váy ngắn, quần cộc vẫn cố trèo rào vào công viên thực sự là những hình ảnh rất phản cảm. Chúng ta có thể nghèo nhưng không thể hèn. Mà tôi nghi ngại, chưa chắc những người trong cảnh chen lấn xô đẩy kia đã là nghèo thật, có những trường hợp chỉ là do lòng tham. Dù làm gì, chúng ta cũng nên tôn trọng mình, có những phép lịch sự tối thiểu.
Tôi đề nghị các cơ quan quản lý văn hóa không thể để cảnh này tái diễn. Chẳng hạn, nếu công viên nước Hồ Tây muốn kích cầu và hướng đến người dân thực sự thì không thiếu gì cách, có thể giảm giá vé trong thời gian dài, ưu đãi đặc biệt cho thiếu nhi... Đấy cũng là một kiểu miễn phí, lịch sự và chân tình.
Một khi đã để xảy ra tình trạng xô đẩy chen lấn phản cảm thì theo tôi, chính quyền địa phương phải lên tiếng. Không thể im lặng để tình trạng như vậy tái diễn thêm lần nào nữa.
Sự việc chen lấn như vậy còn ảnh hưởng đến tâm hồn của trẻ khi chứng kiến sự việc. Vì sao những người làm cha làm mẹ lại cho con đến những chỗ xô bồ, tranh cướp như vậy? Mọi người thấy cái lợi nhỏ mà không thấy cái hại lớn. Sau này, tương lai các con sẽ ra sao khi từ bé đã quá quen thói chà đạp lên người khác để giành giật cái lợi cho mình?
Nặng tư duy đám đông, không tôn trọng trật tự xã hội
Luật sư Trần Thu Nam |
Luật sư Trần Thu Nam (Trưởng văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự) e ngại, khó quy trách nhiệm cho nhà tổ chức cũng như doanh nghiệp bởi bản thân họ không tiên lượng trước được người dân lại hưởng ứng đông như vậy. Vấn đề ở đây là do ý thức của người dân quá kém. Nói đúng ra là người Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng nặng nề của tư duy đám đông. Nếu một người có thể làm được là nhiều người khác làm theo, thành ra ồ ạt, vỡ trận, tạo ra những phản ứng dây chuyền. Rất may mắn không có ai thiệt mạng. Nếu có người phải nhập viện thì bản thân người đó thiệt hại và công viên nước cũng mang tiếng. Những người trèo vào còn mang tính chất lén lút và xâm phạm.
Đồng tình quan điểm trên, luật sư Phạm Văn Phất (Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm) cũng cho rằng: Thông thường, chúng ta đã quen với tư duy không quản lý được thì cấm, không làm nữa. Nhưng nếu không có những chương trình miễn phí như vậy thì cộng đồng lại thiệt thòi. Cơ quan quản lý nên ngồi lại bàn nếu như tiếp tục cho những ngày miễn phí như thế thì cần những biện pháp như thế nào để đảm bảo tốt nhất cho người dân và tránh tình trạng hỗn loạn. Thông qua sự việc này cũng phản ánh sự tôn trọng trật tự xã hội của các tầng lớp người dân nói chung trong giai đoạn hiện nay. Dường như thiếu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước thì người dân dễ tự ứng xử, tự bảo vệ quyền lợi của mình, tự dàn xếp… nên sinh ra nhiều thứ phản cảm, thậm chí làm điều trái pháp luật.
PGS.TS.Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển: Tư duy bao cấp “tăng xin giảm cho”
PGS.TS. Lê Quý Đức. |
Có thể do điều kiện đời sống xã hội chưa phát triển nên người dân vẫn còn thói quen cái gì được cho, miễn phí thì quý chăng? Cái tư duy bao cấp đã ăn sâu vào trong máu của nhiều người Việt Nam, nên có cái gì đó được cho, miễn thì người ta cố gắng tranh thủ để thụ hưởng, thậm chí là chiếm dụng.
Theo tôi, thói quen như vậy là không tốt. Kinh tế chưa phát triển nên người ta chưa sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê, mua dịch vụ. Hiện tượng đơn giản nhưng biểu hiện những cái phức tạp. Những người có sự tranh giành không nghĩ được việc làm đó của mình người khác sẽ đánh giá ra sao. Thói tranh giành có thể kìm hãm sự phát triển của xã hội. Tâm hồn trẻ con sẽ chắc chắn bị ảnh hưởng. Đấy là một trong những cách dạy dỗ con một cách vô ý thức, “tăng xin giảm cho”, không tốt và làm mất lòng tự trọng, tự ý thức từ bé của trẻ.
Dương Thu/ Báo Đời sống và Pháp luật