Khi hung thủ chưa đầu thú thì nỗi oan của ông Nén và ông Chấn cũng chưa thật sự được giải. Điều này phải chăng do có một số người "cầm cân nảy mực" chưa thật sự có khả năng lắng nghe?
Năm 2013, dư luận rúng động khi vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được đưa ra ánh sáng. Với ông Chấn, suốt 10 năm ngồi tù vì bị khép vào tội "giết người, cướp tài sản", ông liên tục kêu oan và có lúc còn tìm cách quyên sinh. Vợ ông và người thân đã phải ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan để kêu oan cho chồng nhưng suốt một thời gian, mọi nỗ lực của họ chỉ như muối bỏ bể. Phải đến giữa tháng 4/2015, nỗi oan mới cơ bản được khép lại khi Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức xin lỗi ông Chấn.
Mấy ngày qua, vụ án của "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén lại khiến dư luận cả nước rúng động. Sau 17 năm 5 tháng 5 ngày ngồi tù vì bị kết án oan trong cả hai vụ giết người, ông Nén mới được trả lại quyền công dân. Và với những đắng cay, tủi nhục, oan ức mà bản thân ông Nén cũng như người thân trong gia đình phải chịu đựng suốt một quãng thời gian dài, ngày 3/12, ông đã được Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi công khai.
Hai ông Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén phải chịu tổng cộng hơn 27 năm tù oan sai |
Oan sai của ông Chấn và ông Nén xảy ra ở hai miền khác nhau, vào những thời điểm khác nhau nhưng lại có hiện tượng trùng hợp là chỉ đến khi hung thủ thực sự ra đầu thú thì bản án chung thân dành cho hai công dân này mới được hủy bỏ. Ngoài ra, trong cả hai vụ án trên, cả công luận, báo chí và luật sư đều lên tiếng, nêu rõ các chứng cứ chứng minh cả hai vô tội, thậm chí vụ án Huỳnh Văn Nén còn xuất hiện cả đơn tố giác hung thủ nhưng sự kêu oan đó dường như đều không được một số cá nhân có trách nhiệm lắng nghe một cách thấu đáo.
Có thể thấy, ở cả hai vụ án, dư luận đã chỉ ra sự phi lý về thời gian và bằng chứng nhưng những người cầm cân nảy mực lại đưa ra những phán quyết vội vàng, thiếu cơ sở, gây hàm oan cho người vô tội.
Niềm hạnh phúc đoàn tụ của cha con ông Huỳnh Văn Nén sau hơn 17 năm ông ngồi tù oan. Ảnh: báo Kiến thức |
Nếu những cán bộ này biết "lắng nghe" hơn thì rất có thể 15 năm về trước, khi xuất hiện đơn tố cáo của anh Nguyễn Phúc Thành, cơ quan chức năng ngay lập tức tiến hành điều tra, xác minh thì có thể ông Nén đã không phải ngồi tù oan trong một quãng thời gian dài đến vậy. Còn với ông Chấn, có thể số năm tù oan của ông sẽ nhỏ hơn 10 nếu cơ quan chức năng lưu tâm đến chuyện vợ ông ròng rã 10 năm đi khắp trong Nam ngoài Bắc để kêu oan cho chồng.
Hai vụ án oan khép lại, song nó vấn không thể không khiến người ta bật ra câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu hung thủ thật sự không ra đầu thú và nhận tội? Và trong trường hợp đó, những người người có trách nhiệm liệu có "thấu" được những lời kêu oan và cẩn trọng xem xét lại từng tình tiết của vụ án để buộc tội đúng hung thủ?
Xin lỗi công khai người hàm oan không hẳn chỉ để khép lại vụ oan sai, mà ngoài ra, qua đó, những người thực thi pháp luật cần nâng cao hơn nữa khả năng lắng nghe, khả năng tố tụng trong điều tra, xét xử. Và xin mượn những câu trải lòng của "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén tại buổi được xin lỗi công khai để làm lời kết: "Tôi tha thiết mong rằng, bằng những đòn roi tôi đã nhận, bằng những oan ức tôi đã trải qua, bằng những tan nát khi gia đình tôi, vợ con tôi nếm trải, các điều tra viên, các kiểm sát viên, các thẩm phán, khi đặt bút phán quyết một điều gì, hãy cân nhắc thật kỹ! Hãy suy nghĩ không chỉ bằng lý trí, mà còn bằng pháp lý để không làm oan cho bất kể ai. Bởi dù oan ức một ngày, thì có thể tiêu tan cả đời".
Vũ Đậu