Ngày 18/3, đại diện Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết cơ quan này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sàm sỡ nữ sinh viên của ông Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, quê Hải Phòng), diễn ra trong thang máy của chung cư Golden Palm nằm trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội.
Sự việc xảy ra gần nửa tháng nay nhưng nạn nhân vẫn chưa hết sốc, chưa hết bàng hoàng, sợ hãi, công việc, học tập đều bị ảnh hưởng.
Theo đại diện Công an quận Thanh Xuân, sau khi trao đổi và thống nhất với VKSND quận Thanh Xuân, Công an quận Thanh Xuân xác định hành vi của Đỗ Mạnh Hùng không cấu thành tội phạm.
Căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ("Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác"), Công an quận Thanh Xuân xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Mạnh Hùng số tiền 200.000 đồng.
Trước thông tin này, nạn nhân trong vụ việc chị Phan Hà V. (20 tuổi, sinh viên) cho biết không hài lòng và bất bình với mức phạt đó. Chị cảm thấy khá bất ngờ và buồn. "Tôi muốn một mức xử phạt nặng hơn đủ sức răn đe, những người khác nhìn vào không dám phạm tội. Phạt chỉ có 200.000 đồng thực sự quá nhẹ nhàng, thất vọng", trên Trí thức trẻ dẫn chị V. bức xúc nói.
Nhìn nhận toàn bộ vụ việc, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng đánh giá việc này “như trò hề”, thể hiện sự bất lực của pháp luật cũng như sự bất lực của những người thực thi pháp luật.
“Công an mời người đang bị tố cáo là phạm tội đến hòa giải nhưng anh ta không đến cũng chẳng làm gì được. Sau đó, lại đưa ra mức xử phạt 200.000 đồng... rất bôi bác!”, trên Infonet dẫn lời TS Hồng bức xúc nói.
Theo TS Hồng, dù hành vi đó được áp dụng phạt theo Nghị định nhưng không phù hợp với thực tế, bởi “những vụ việc quấy rối tình dục, xâm hại tình dục phụ nữ trẻ em thì càng ngày càng nhiều khiến xã hội càng ngày càng bức xúc mà vẫn sử dụng một nghị định không cập nhật thì rất phản tác dụng”.
“Nó khiến cho người ta có cảm giác thà đừng phạt còn hơn. Phạt xong đưa lên như thế này chẳng khác gì trò cười, như là một sự nhạo báng, làm nhục phụ nữ tiếp thêm một lần nữa.
Đây không phải chỉ là một cá nhân, một cô gái đấy mà rõ ràng đây là đối với phụ nữ nói chung.
Chứng tỏ xã hội vẫn chẳng coi trọng phẩm hạnh phụ nữ bao nhiêu. Tất cả những câu chuyện trong thời gian gần đây thể hiện điều đấy, thể hiện sự thiếu quan tâm đến phụ nữ, nguồn tin trên dẫn lời TS Hồng nêu quan điểm.
Lấy dẫn chứng về một loạt vụ việc như vụ thầy giáo dâm ô ở Bắc Giang thì bảo đó là hành động 'yêu quý' trẻ, xâm hại trẻ em đến rách màng trinh, trẻ bị tổn thương gẫy răng, gẫy tay thì lại kết luận 'ít nghiêm trọng'. TS Hồng cho rằng những câu chuyện này khiến cho mọi người có cảm giác luật pháp không có nghĩa lý gì và những người thực thi pháp luật gần như không làm được gì với những tội ấy.
Trước thực tế đáng suy ngẫm trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sửa đổi pháp luật cụ thể hơn làm sao để pháp luật phải thực sự là công cụ để mà trừng trị, xử lý những hành vi xâm hại danh dự và thân thể phụ nữ, trẻ em. Đối với những người thực thi pháp luật cũng cần được nâng cao nhận thức để họ làm công việc này tốt hơn.