Từ xa xưa, con người đã biết tận dụng sức mạnh của lửa để tạo ra những thứ vũ khí chết chóc. Người Byzantine hàng ngàn năm trước nổi tiếng với các chiến hạm có khả năng phun nửa, ngày nay vũ khí phun lửa có rất nhiều dạng khác nhau.
Lửa là một trong những hiện tượng tự nhiên hữu dụng nhất trên thế giới. Trong những ngày đầu của tổ tiên chúng ta, con người lấy lửa từ các khu vực có đám cháy, và rồi các thế hệ sau đó tự tìm ra cách tạo lửa, cuộc sống của loài người đã thay đổi hoàn toàn. Có lửa, con người có thể thắp sáng trong đêm tối, sưởi ấm và nấu ăn.
Nhưng lửa cũng là một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm. Con người dùng nó để đuổi thú dữ hoặc tấn công lẫn nhau. Dọc theo chiều dài lịch sử nhân loại, lửa luôn được coi là một thứ vũ khí lợi hại.
Một trong những vũ khí lửa thú vị nhất từng được phát minh chính là súng phun lửa. Súng phun lửa bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, nhưng ý tưởng về loại vũ khí này đã tồn tại đến hàng ngàn năm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các loại súng phun lửa và cách hoạt động của chúng.
Lịch sử vũ khí phun lửa
Lửa xuất phát tử một phản ứng hóa học giữa 2 hoặc nhiều nguyên tố, điển hình là ôxy trong không khí và một số loại nhiên liệu (ví dụ như xăng, gỗ hoặc than). Phản ứng này tỏa ra một lượng nhiệt cực lớn và tạo thành tia lửa. Nhiệt từ lửa sẽ tiếp tục tạo ra phản ứng như trên, với điều kiện vẫn còn nhiên liệu.
Ý tưởng về một súng phun lửa là khả năng phun nhiêu liệu được đốt cháy. Loại súng phun lửa đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, chúng là những đoạn ống dài được lấp đầy nhiên liệu (lưu huỳnh hoặc than). Người sử dụng chỉ cần nhắm về phía kẻ địch và thổi đoạn ống đó là lửa sẽ phun ra.
Một loại súng phun lửa khác được sửa dụng vào thế kỷ thứ 7. Tại thời đại này, Đế Chế Byzantine đã cho lắp ráp một loại vũ khí có tên “lửa Hy Lạp” vào các chiến hạm của họ. Lửa Hy Lạp được cho là có chứa hỗn hợp chất lỏng dầu đốt, lưu huỳnh, vôi sống và một số nguyên liệu khác. Đây là một hỗn hợp chất lỏng nguy hiểm và rất dễ bắt lửa.
Bản thảo khắc họa "lửa Hy Lạp" của người Byzantine vào thế kỷ thứ 10 |
Trong chiến trận, quân đội của Byzantine đẩy hỗn hợp này từ thùng chứa và thông qua một ống đồng nhỏ. Áp suất lớn khi đi qua các ống này sẽ khiến hỗn hợp đẩy ra cực mạnh, và khi nó đi tới phần cuối của ống đồng, vốn được châm lửa sẵn thì sẽ tạo ra một luồng lửa lớn dài tới cả chục mét.
Người Byzantine gắn thứ vũ khí này dọc theo những bức tường của thành phố Constantinople (thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và trên những chiến hạm của họ. Hỗn hợp chất lỏng này vốn chủ yếu là dầu hỏa, vì vậy nó có thể cháy ngay cả khi chạm vào nước, chính điều này khiến cho lửa Hy Lạp trở thành một thứ vũ khí cực kỳ lợi hại trong thủy chiến.
Kẻ địch của người Byzantine cực kỳ khiếp sợ khi đối mặt với thứ vũ khí này, nhưng sau đó đã có nhiều người đã bắt chước được cách tạo ra súng phun lửa. Người Trung Quốc áp dụng kỹ thuật vượt trội của họ để đưa ý tưởng này lên một tầm cao mới. Người Byzantine sử dụng loại bơm đơn giản và chỉ có thể phun lửa trong thời gian ngắn theo mỗi lần bơm. Người Trung Quốc thì lại sử dụng loại bơm cải tiến hơn với 2 bàn đạp nằm trong một buồng chứa hỗn hợp, 2 bàn đạp này thay phiên nhau bơm hỗn hợp và tạo ra một luồng lửa phun ra liên tục.
Ngay sau khi loại vũ khí này được đưa vào sử dụng, nó dần dần bị lãng quên bởi một thứ vũ khí mới: thuốc súng. Hơn một ngàn năm sau đó, thuốc súng làm thay đổi tình hình chiến tranh trên thế giới, còn các loại súng phun lửa đã ít được sử dụng hơn.
Tại Thế Chiến thứ 1, quân Đức nghiên cứu một loại súng phun lửa mới và lắp ráp vào các chiến hạm của họ. Thế Chiến thứ 2, cả 2 bên đều đưa các loại súng phun lửa vào chiến trận.
Cơ chế hoạt động của súng phun lửa cầm tay
Súng phun lửa có 3 bình chứa, 2 bình lớn bên ngoài chứa hỗn hợp chất lỏng dễ cháy, chủ yếu là dầu hỏa, tương tự như hỗn hợp chất lỏng của lửa Hy Lạp. Bình nằm giữa chứa khí gas, khi người sử dụng mở van khí gas, nó sẽ chạy thẳng ra họng súng. Tại đây có một bộ phận đánh lửa chạy bằng pin, kích hoạt bộ phận đánh lửa này sẽ làm cháy khí gas và tạo ra một đốm lửa nhỏ trước họng súng.
Hai bình hỗn hợp chất lỏng được dẫn qua một ống khác và cũng chạy thẳng vào họng súng. Hỗn hợp này sẽ được nén với áp suất lớn và phun ra cực mạnh khi người sử dụng bóp cò. Hỗn hợp được đốm lửa tạo bởi khí gas đốt cháy và trở thành một luồng lửa dài lên tới 46 mét.
Xe tăng phun lửa
Tại Thế Chiến thứ 1 và thứ 2, chiến tranh Việt Nam, các loại súng phun lửa với thiết kế tương tự được lắp ráp trên xe tăng. Nhiên liệu đốt cháy trên vũ khí này được đấy bằng pít-tông thông qua động cơ của xe tăng. Điều này khiến cho lực đẩy của nó cực mạnh và có tầm bắn xa hơn, lượng nhiên liệu trên xe tăng dĩ nhiên là dồi dào hơn so với súng cầm tay.
Người dân cũng biết dùng súng phun lửa
Quân đội vẫn đang tiếp tục sử dụng loại vũ khí này cho tới ngày hôm nay, nhưng công nghệ của súng phun lửa đã không còn xa lạ với dân thường. Điển hình là nông dân dùng súng phun lửa để dọn sạch cánh đồng, hoặc kiểm lâm dùng chúng để đốt cháy rừng nhằm kiểm soát đám cháy một cách chủ động. Có người còn lắp bộ phun lửa vào ống thải xe của họ, các ngôi sao ca nhạc cũng thường xuyên dùng súng phun lửa để trình diễn trên sân khấu.
Một trong những loại phun lửa thông dụng nhất thế giới hiện nay là thổi lửa. Người ta ngậm hỗn hợp gây cháy trong mồm vào phun ra ngoài, bộ phận đánh lửa có thể là một chiếc đuốc hoặc một cái bật lửa. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng cũng có chung nguyên lý hoạt động như các loại vũ khí phun lửa hiện đại nhất của quân đội.
Trang Vũ (Tổng hợp)