Theo luật sư, nếu bệnh nhân cùng gia đình không thỏa thuận và thống nhất được với Bệnh viện Việt Đức về số tiền bồi thường, bệnh nhân có thể khởi kiện Bệnh viện tại TAND có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án buộc bệnh viện phải bồi thường theo luật định…
Vụ việc anh Trần Văn Thảo (37 tuổi, Ứng Hoà, Hà Nội), bị bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức mổ nhầm chân (bệnh ở chân trái nhưng mổ nhầm chân phải) khiến dư luận hết sức bức xúc.
Trong sáng 20/7, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội đã tổ chức họp báo sau khi có thông tin mổ nhầm chân cho bệnh nhân.
Trong cuộc họp báo, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã yêu cầu lãnh đạo Khoa Chấn thương - Chỉnh hình 3, bác sĩ trực tiếp mổ gặp xin lỗi bệnh nhân và gia đình.
Bệnh nhân Trần Văn Thảo trên giường bệnh. |
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã quyết định đình chỉ toàn bộ ekip phẫu thuật cho bệnh nhân, các cá nhân liên quan để làm tường trình kiểm điểm tìm ra khâu dẫn đến sai sót.
Nhân vụ việc này, nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra. Dư luận đang rất quan tâm đến việc trách nhiệm thuộc về ai và vấn đề bồi thường cho bệnh nhân ra sao.
Trao đổi với PV, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh – Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, đầu tiên cần phải khẳng định rằng, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể có những sơ suất, nhầm lẫn, rủi ro. Tất nhiên đó chỉ là những trường hợp hãn hữu, mặc dù không ai muốn nhưng cũng khó tránh khỏi.
Tuy nhiên cách giải quyết hậu quả mới là điều đáng phải quan tâm. Nếu cá nhân, đơn vị nào vô ý gây thiệt hại cho người khác, sau đó họ nỗ lực giải quyết hậu quả thông qua việc quan tâm, chăm sóc, bồi thường cho người bị thiệt hại trong và sau khi chữa trị, đó là điều đáng ghi nhận. Còn ngược lại, nếu họ lại tỏ thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm, đổ lỗi cho những nguyên nhân khác, thì rất đáng lên án.
Trong vụ việc mới xảy ra tại Bệnh viện Việt Đức, theo thông tin từ báo chí, phía Bệnh viện cho biết sẽ lo toàn bộ kinh phí và theo dõi toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh hiện tại và sau này. Đó có thể được xem là thái độ tích cực ban đầu.
Đề cập đến khoản tiền bồi thường thiệt hại đối với trường hợp này, luật sư Thanh cho biết, theo quy định của pháp luật, Bệnh viện có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại (ở đây là bệnh nhân Trần Văn Thảo) những khoản sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của anh Thao.
- Các chi phí thực tế, cần thiết khác cho anh Thao (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của bộ phận cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của anh Thao.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của anh Thao.
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc anh Thao trong thời gian điều trị.
- Chi phí hợp lý cho người chăm sóc anh Thao sau thời gian điều trị.
- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho anh Thao do sức khỏe bị xâm phạm.
“Nếu anh Thao cùng gia đình không thỏa thuận và thống nhất được với Bệnh viện Việt Đức về số tiền bồi thường, anh Thao có thể khởi kiện Bệnh viện tại TAND có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án buộc Bệnh viện phải bồi thường những khoản nêu trên” – luật sư Thanh nhấn mạnh.
Tiểu Phương