Mới đây, UBND TP.HN quyết định thụ lý giải quyết tố cáo của các gia đình có thân nhân là liệt sỹ trong ngôi mộ tập thể chôn cất "liệt sĩ" bị mất tích ở Hà Nội.
Theo tin tức từ Môi trường và đô thị, mới đây, Chủ tịch UBND TP.HN vừa ra Quyết định số 5404/QĐ-UBND ngày 9/10 về việc thụ lý giải quyết tố cáo của các gia đình có thân nhân là liệt sỹ trong ngôi mộ tập thể bị di chuyển tại nghĩa trang Mả Nhịa.
Trước đó, phản ánh trên báo Pháp luật Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thúy Ngần (SN 1978, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), chị có ông nội là cụ Nguyễn Văn Ái, liệt sĩ, hy sinh ngày 07/03/1949 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (theo quyết định số: 287/QĐ – TTg. Bằng số : GB 695 được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký).
Sau đó, phần mộ của Liệt sĩ Ái được quy tập thành mộ tập thể cùng với 59 cán bộ và nhân dân đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chôn cất tại nghĩa trang thôn Vực.
Ngôi mộ chôn tập thể 60 cán bộ, nhân dân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngổn ngang đất, gạch vỡ vụn. Ảnh Kiến Thức |
Sáng ngày 14/2/2018 (tức ngày 29 Tết), gia đình chị Ngần đến nghĩa trang để thắp hương thì ngơ ngác khi thấy ngôi mộ tập thể đã tồn tại bao đời nay bỗng dưng biến mất. Một lúc sau, gia đình chị được người quản trang thông báo ngôi mộ đã được di chuyển từ vài ngày trước.
Việc này khiến gia đình chị rất bức xúc và đã làm đơn kêu cứu gửi các ngành chức năng. Tuy nhiên, lãnh đạo xã lại nói đây là những ngôi mộ vô danh nên không cần thông báo.Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Saostar hồi tháng 3/2018, ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, vào khoảng năm 1948-1949, giặc Pháp bắt người dân vô tội và cán bộ du kích đã giết hại cùng lúc 60 người.
“Theo cao niên kể lại, giặc Pháp sau khi giết hại 60 người đã hất xuống hào sâu, khi giặc Pháp bỏ đi, người dân lấp đất chôn cất. Sau này các cụ trong làng làm đơn xin phép cải cát ngôi mộ tập thể này, bốc mộ xương tiểu, không được nguyên thi thể từng người một, chôn chung hố tập thể sau đó đưa về Mả Cao.
Sau này có đơn vị về đây xây dựng lán trại, xây dựng hội trường vướng vào đầu ngôi mộ nên sau đó di chuyển toàn bộ ngôi mộ chung này sang nghĩa trang Mả Nhịa, xã Thanh Liệt”, ông Phong thông tin.
Về thông tin một số người cho biết là thân nhân của liệt sĩ trong ngôi mộ chung nhưng không được thông báo trước khi di dời, ông Phong khẳng định, không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh 60 người trong mộ vô danh là người thân của những người dân nói trên.
“Trên bia mộ không ghi tên tuổi ai, phải đặt bia mộ vô danh, các hộ cho rằng trên mộ tiểu có thân nhân của mình nhưng không phải, hoặc chỉ là do nhà ngoại cảm nói. Tất cả các hộ gia đình đều tự phát nhận mộ có người thân của mình ở đó chứ xã không có thông tin”, ông Phong nói.
Cũng trao đổi trên báo Kiến Thức thời điểm đó, ông Phong cho biết, ngày 31/1/2018 UBND xã Thanh Liệt đã làm lễ di dời mộ tập thể. Ngày 1/2/2018, UBND xã tổ chức di dời ngôi mộ này từ nghĩa trang Mả Nhịa lên nghĩa trang xã Thanh Liệt và ngày 5/2/2018 làm lễ yên vị. Trước khi di dời mộ tập thể đã có thông báo rộng rãi đến nhân dân qua các kênh phương tiện truyền thông, khi chuyển mộ có sự chứng kiến của đông đảo nhân dân địa phương, và nhân dân khác xã, huyện”, lãnh đạo UBND xã Thanh Liệt nói.
Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho hay, trước đó, UBND TP Hà Nội đã có quyết định nhất trí cho Liên doanh các nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Công nghệ điện tử viễn thông và Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì) thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, xây dựng dựng 4 tuyến đường cấp khu vực (có bề rộng mặt cắt ngang quy hoạch 13m, 17,5m, 30m) theo quy hoạch tại dự án, đảm bảo tuân thủ quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế và chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành (nối từ đường Kim Giang vào dự án The Eden Rose – PV).
Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, khai thác theo quy định.
Hà Trang (tổng hợp)