Thứ Trưởng Bộ GTVT cho rằng, Bộ đang tiến hành kiểm tra đối với Tổng công ty Đường sắt Việt nam và đã phát hiện ra một số sai phạm…chưa đúng với quy định.
Liên quan tới chủ trương mua hơn 160 toa đã qua sử dụng của Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), ngày 25/2, Bộ GTVT tiến hành kiểm tra Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về mọi phương án mua tàu cũ Trung Quốc.
Ngày 25/2, trao đổi với PV báo Người Đưa tin, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Bộ GTVT đang tiến hành kiểm tra Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về phương án mua toa tàu cũ Trung Quốc. Qua quá trình kiểm tra Bộ GTVT nhận thấy Tổng công ty ĐSVN đã có sai phạm. Thủ tục quy trình chưa đúng với quy định. Sau khi có kết luận kiểm tra, Bộ GTVT sẽ công khai minh bạch về việc kiểm điểm những người vi phạm”.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT |
Trước đó, khi trả lời PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, trong vụ việc này lãnh đạo Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không có lỗi gì, không có gì sai mà xem xét. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không đổ lỗi cho cấp dưới.
Tổng công ty cho chủ trương nghiên cứu nếu báo cáo việc mua này có hiệu quả, Chủ tịch Hội đồng thành viên sẽ đề nghị quyết mua ngay. Doanh nghiệp làm theo luật pháp, luật pháp cho mua và doanh nghiệp thấy có hiệu quả thì sẽ mua.
Sau khi sự việc xảy ra, Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cách chức Tổng giám đốc, Tổng công ty Đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp và điều động sang làm Phó trưởng Ban vận tải của Tổng công ty.
Đặc biệt, quyết định này lại không đề cập đến việc “kiểm điểm nghiêm, làm rõ trách nhiệm” của Hội đồng thành viên ban lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc VNR theo chỉ đạo của nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải, tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.
Toa tàu cũ (minh họa) |
Với việc cách chức ông Hiệp đã khiến cho dự luận xôn xao rằng: "Nghịch lý cấp trên chỉ đạo cấp dưới mất chức", liệu rằng trong vụ việc này có phải lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang đổ hết trách nhiệm cho ông Hiệp?
Được biết, trước khi mọi việc "vỡ lở" chính bản thân ông Trần Ngọc Thành, đã có bút phê trong văn bản qua lại của Tổng công ty rằng, "nhất trí thực hiện nhanh chủ trương đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng của Trung Quốc".
Cùng với bút phê của ông Trần Ngọc Thành, còn có văn bản chấp thuận giá cả của lô tàu cũng đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định.
Theo thông báo ngày 5/5/2015 về chúng loại và giá thành toa xe nhập của Trung Quốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam gửi điện cho các công ty con là Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn; Công ty CP Vinalines logistic Việt Nam; Công...
Dựa vào biên bản hội đàm Hội nghị liên vận quốc tế đường sắt Việt Trung đã ký ngày 11/4/2015 tại Khai Viễn (Trung Quốc) giữa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Cục đường sắt Côn Minh; căn cứ vào thư báo giá và chủng loại toa xe của Cục đường sắt Côn Minh.
Tổng Công ty Đường sắt yêu cầu các công ty con nghiên cứu chủng loại và giá các loại toa xe có nhu cầu cần mua và thông báo ngay cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam để Tổng Công ty thông báo cho Cục đường sắt Côn Minh.
Giá các loại toa xe được quy đổi ra tiền Việt cụ thể như sau: Giá giao toa xe tại Lào Cai với tình trạng chưa sửa chữa đối với chủng loại C31 là hơn 315 triệu đồng/xe, loại G30 là gần 255 triệu đồng/xe; giá giao toa xe tại Lào Cai sau khi đã đại tu với loại C31 là gần 810 triệu đồng/xe, loại G30 là hơn 710 triệu đồng/xe; giá giao toa xe tại Lào Cai sau khi đã thay bánh xe, hộp trục với loại C31 là gần 604 triệu đồng/xe và G30 là hơn 540 triệu đồng/xe.
Báo Người Đưa Tin tiếp tục thông tin về vụ việc.
Thế Anh