(Tinmoi.vn) Việc sống sót sau khi nằm kẹt liên tiếp 5 đêm, 4 ngày trong kho cấp đông ở mức nhiệt -18 độ C của anh Anh Mai Thanh Sang – nạn nhân vừa được tìm thấy trong vụ sập kệ hàng đông lạnh của công ty cổ phần Vạn Ý ở Đồng Tháp vào rạng sáng nay (24.7) có thể xem là một kỳ tích về sức mạnh bí ẩn ở con người.
Như đã đưa tin, khoảng 17h ngày 19.7, một nhóm khoảng 12 công nhân đang làm việc trong kho cấp đông thì xảy ra sự cố hàng loạt kệ hàng chứa cá tra đông lạnh bị đổ, tạo ra hiệu ứng dây chuyền làm sập toàn bộ số kệ hàng. Anh Mai Thanh Sang (SN 1991), ngụ xã Bình Thành (huyện Châu Thành) đã bị kẹt lại trong kho hàng lạnh suốt 5 ngày cho tới khi được tìm thấy.
Qua trao đổi với bác sỹ Vũ Quang Tuấn – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức cho biết, việc nạn nhân vẫn còn tỉnh táo sau khi được giải thoát ra khỏi kho hàng đông lạnh có thể xem là một kỳ tích. Vấn đề là cơ thể anh Sang đã bị giảm nhiệt bất thường (từ môi trường ngoài bị giam vào kho lạnh). Ở mức thân nhiệt còn 30 độ C, các chức năng cơ thể bắt đầu suy sụp. Khi diễn ra hiện tượng giảm nhiệt bất thường trong cơ thể, bất kỳ ai cũng có thể chết không lâu sau đó. Cụ thể: Nếu ngâm mình trong dòng nước có nhiệt độ 10 độ C, trong vòng 30 - 60 phút chúng ta sẽ bị ngất và sau 1 - 2 giờ sẽ bị chết vì lạnh. Nếu ngâm mình trong dòng nước 0 độ C, chúng ta sẽ bị ngất sau 15 phút và sẽ chết sau 15 - 60 phút. Vậy nên việc anh Mai Thanh Sang vẫn còn sống đã là một điều kỳ diệu. Và ở góc độ y học, đây có thể xem là một hiện tượng hiếm hoi.
Anh Mai Thanh Sang
Về khả năng chịu lạnh của con người trong môi trường độ âm, cho tới thời điểm này, trên thế giới chắc chưa có đối thủ nào vượt qua được ông Wim Hof, 53 tuổi, đến từ Hà Lan đã 8 lần lập kỷ lục thế giới về khả năng chịu lạnh siêu phàm của mình. Người đàn ông “băng” này có thể đi dạo trên Bắc Cực với nhiệt độ lạnh giá là âm 20oC, lặn sâu dưới băng hơn 80m với một bộ đồ bơi bình thường và leo lên đỉnh Everest mà chỉ mặc một chiếc quần soóc. Ông cũng đã ngâm mình trong bể chứa đá cao 1,5m, với khoảng thời gian là 1 giờ 12 phút.
Tiến sĩ Ken Kamler, tác giả cuốn sách “Vượt qua những thử thách nghiệt ngã” đã từng nhận định: Bình thường, khi cơ thể một người nào đó bị lộ ra ngoài nhiệt độ đóng băng trong một quãng thời gian kéo dài, nó bắt đầu rơi vào trạng thái tồn sinh và dịch thể bắt đầu đông lại. Tổn thương do lạnh giá diễn ra, và để cứu những cơ quan chính yếu, cơ thể hy sinh dòng máu đang chảy đến những đầu cuối và tứ chi, cắt hẳn dòng tuần hoàn máu đến các ngón tay, ngón chân, tai và mũi để duy trì máu chảy vào các cơ quan cần thiết duy trì sự sống. Nếu không điều trị ngay, tổn thương đối với những cơ quan đầu cuối và tứ chi là không thể hồi phục.
Vì vậy, việc anh Sang vẫn sống sót kỳ diệu sau vụ tai nạn và đã tỉnh táo để trò chuyện với mọi người về vụ việc có thể xem như một câu chuyện thần kỳ./.
Vũ Đậu