Đại tá Nghiêm Đình Thiện, PGĐ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh cho biết, không được phép bán vật liệu nổ, dù là vật liệu đem đi tiêu hủy ra bên ngoài. Vậy tại sao 7 tấn đầu đạn vẫn lọt ra ngoài?
Liên quan đến vụ nổ kho phế liệu Bắc Ninh, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, chúng ta có các quy định rất chặt chẽ về quản lý các kho phế liệu hay quản lý vật liệu nổ.
Theo các quy định về quản lý, các kho phế liệu này phải nằm xa khu vực dân cư, có những quy định nghiêm ngặt về môi trường cũng như an toàn, thế nhưng xem lại các vụ việc nổ tại các kho phế liệu gần đây thì hầu hết các quy định trên đều bị “ngó lơ”.
Hơn nữa, việc quản lí và sử dụng vật liệu nổ được quy định rất chặt chẽ. Theo đó, chỉ có đơn vị công binh của quân đội hoặc công an hoặc cơ quan khác được Chính phủ đồng ý thì mới được phép tổ chức đào bới vật liệu nổ.
Bên cạnh đó là các quy định chặt chẽ về trình tự thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Chỉ có cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp huyện và đơn vị quân đội cấp trung đoàn trở lên mới có quyền phân loại để thanh lý và tiêu hủy các vũ khí đó.Thậm chí sau khi tiêu hủy xong, hội đồng còn phải tiến hành thanh kiểm tra kỹ càng lại hiện trường..
"Việc hàng loạt đầu đạn cũ loại 12 ly 7 được cơ sở phế liệu ở Bắc Ninh thu mua khiến tôi khá ngạc nhiên, bởi lẽ đây là loại đạn pháo bộ binh, khác với những thứ mà người dân có thể đào bới. Có nghĩa là ở đây khâu thanh lý, tiêu hủy vật liệu nổ đang có vấn đề. Đáng nhẽ, những thứ này phải bị tiêu hủy tận gốc thì lại sơ xuất để lọt ra ngoài”, ông Pha nói.
Hơn nửa tấn đầu đạn đã được thu gom sau vụ nổ ở Bắc Ninh sáng 3/1. Ảnh Trí thức trẻ |
Cũng liên quan đến vấn đề này, sáng ngày 4/1, trao đổi với PV Vietnamnet, Đại tá Nghiêm Đình Thiện, PGĐ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh cho biết, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đang phối hợp với Cơ quan công an để điều tra, xác minh thông tin chủ hộ để xảy ra vụ nổ tại Yên Phong hôm qua đã khai nhận mua 7 tấn đạn từ Trung tâm.
“Về nguyên tắc, không được phép bán vật liệu nổ (đạn dược, vũ khí…) ra bên ngoài để cho đơn vị dân sự tháo dỡ, tiêu hủy” - Đại tá Thiện khẳng định.
Ông Thiện cũng cho biết, việc xử lý cá nhân có liên quan, nếu có, sẽ căn cứ vào kết luận điều tra của Cơ quan công an.
Cùng ngày, trao đổi với PV Trí thức trẻ, một lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, đã nắm được thông tin về việc chủ kho phế liệu trong vụ nổ lớn ở Bắc Ninh vào sáng sớm 3/1, khai mua các đầu đạn cũ từ một người làm ở Trung tâm xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh).
"Chúng tôi đang cho xác minh xem cụ thể như thế nào", vị lãnh đạo này nói.
Theo vị tướng này, trong ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã có yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra, xác minh về nguồn gốc vật liệu gây nổ.
Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm về quản lý vũ khí, vật liệu nổ để bảo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến, chủ cơ sở phế liệu liên quan đến vụ nổ kinh hoàng rạng sáng hôm qua.
Ông Tiến (SN 1964, ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong) bị điều tra về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân đội theo điều 304 bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại cơ quan điều tra, chủ cơ sở Nguyễn Văn Tiến khai tại cơ quan điều tra việc mua 7 tấn đạn để về phá hủy làm phế liệu từ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) từ tháng 12/2016.
Sáng ngày 3/1, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, nguyên nhân ban đầu của vụ nổ được xác định do người dân thu mua vật liệu nổ về kho để xử lý dạng phế liệu.
Hà Trang (tổng hợp)