Tại phiên xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sáng 13/1, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng phương pháp giám định thiệt hại trong vụ án "cố ý làm trái" và "tham ô tài sản" tại PVN và PVC còn gây nhiều tranh cãi, đề nghị toà tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Dẫn nguồn tin từ Tuổi Trẻ, Vnexpress, Người lao động, sáng ngày làm việc thứ 6 (13/1) phiên toà xét xử các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) là phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Vũ Đức Thuận.
Cáo trạng VKSND Tối cao nêu rõ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc Tập đoàn PVN, biết rõ hợp đồng số 33 ký trái quy định nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo Ban quản lý dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đồng để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỉ đồng trái mục đích, gây thiệt hại gần 120 tỉ đồng.
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm: Phiên tranh tụng sáng 13/1/2018. Ảnh: TTXVN |
Tại phiên tòa sáng nay 13/1, luật sư Lê Đình Ứng bào chữa cho ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 lập trước khi ông Sơn giữ chức vụ phó tổng giám đốc PVN, vì thế ông Sơn không biết hợp đồng 33 ký trái luật. Ngoài ra, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được giao cho một phó tổng giám đốc chuyên trách là ông Nguyễn Quốc Khánh phụ trách.
PVN còn thành lập riêng một ban chỉ đạo về điện và than, chuyên theo dõi dự án với 2 phó tổng phụ trách. Danh sách ban chỉ đạo dự án điện than do HĐTV PVN thành lập cũng không có tên ông Sơn.
Theo luật sư, việc ông Sơn cho cho tạm ứng vốn và nhắc nhở ban quản lý cấp tạm ứng cho PVC, được làm theo kế hoạch của Hội đồng thành viên PVN. Việc duyệt chuyển tiền của ông Sơn trong hoạt động này chỉ là "từ túi này sang túi kia", chứ không ra ngoài PVN. Hơn nữa, việc này có chỉ đạo của Tổng giám đốc PVN và phó tổng giám đốc khác.
Vì những chỉ đạo này, ông Sơn mới ký công văn cấp tạm ứng. Ông còn ký văn bản về việc chỉ đạo ban quản lý dự án phải sử dụng tiền đúng mục đích, yêu cầu "báo cáo về tập đoàn nếu có vướng mắc" nhưng sau đó không nhận được báo cáo nào.
Đặc biệt, PVC xin cấp 120 triệu USD, tương ứng với 10% giá trị hợp đồng, nhưng ông Sơn chỉ đồng ý cấp 6% với hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng.
Về khoản tiền 1.115 tỷ đồng PVC sử dụng sai mục đích, luật sư cho rằng đó là trách nhiệm của PVC chứ không phải thuộc về công ty mẹ PVN. Như vậy, theo luật sư việc truy tố ông Sơn có hành vi cố ý làm trái là "thiếu thuyết phục", đề nghị HĐXX xem xét áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho ông Sơn.
Theo luật sư Lê Đình Ứng, trong quá trình điều tra ông Sơn thành khẩn khai báo, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra nhanh chóng kết thúc vụ án, ăn năn hối cải. "Với tính cách, con người của anh Thăng ‘làm ngay, làm luôn’, ở thời điểm cách đây bảy năm, đề nghị HĐXX xem xét toàn diện vụ án", luật sư bảo vệ ông Sơn khép lại phần bào chữa.
Mở đầu phần bào chữa cho bị cáo Lê Đình Mậu (cựu phó trưởng ban kế toán - kiểm toán PVN) và Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN), luật sư Đỗ Ngọc Quang nói rằng "thực sự đau lòng vì những người có công lao đóng góp cả đời cho ngành dầu khí Việt Nam, khi đã già hoặc sắp về hưu thì phải đứng trước vành móng ngựa". "Có phải do họ quá nóng vội, quyết liệt? Nếu có lợi ích nhóm thì đề nghị VKS chỉ ra nhóm lợi ích có những ai", luật sư nêu câu hỏi và tự giải đáp rằng động cơ phạm tội của các bị cáo hoàn toàn không vì lợi ích nhóm, mà rất trong sáng.
Luật sư Đỗ Ngọc Quang (Ảnh chụp màn hình) |
Ông Quang cho rằng nhiều lời khai của các bị cáo tại phiên tòa đều thể hiện ông Đinh La Thăng ở thời điểm đó rất quyết liệt, làm cho bằng được nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Dẫn lại thông tin của một bị cáo khai ngày 13/5/2011, luật sư kể rằng Thăng từng gọi ông Khánh, Sơn tới mắng: Không triển khai thì biến đi, làm sao thì làm phải lo tiền cho PVC .
Luật sư Quang tiếp tục trích dẫn lời khai của bị cáo Sơn: "Sau khi anh Đinh La Thăng nói với tôi về việc lo tiền, tôi rất lo. Đối với tôi đó là mệnh lệnh phải làm. Luật sư cho rằng, dưới áp lực đó, ông Sơn đã chỉ đạo ông Quỳnh. Ông Quỳnh biết rõ hợp đồng 33 không đúng về pháp lý nhưng bị cấp trên dọa "không làm thì đứng sang một bên" nên vẫn phải tuân thủ.
Luật sư cho rằng số tiền 1.115 tỷ đồng mà PVC đã chi sai mục đích sau khi nhận được tạm ứng trên hiện đã thu được tới hơn 1.200 tỷ từ nhiều nguồn. "Vậy tại sao nhà chức trách sử dụng bản giám định tài chính để xác định kết quả thiệt hại?", ông nói và cho hay bản giám định của vụ án không ghi phương pháp giám định để xác định thiệt hại theo như quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề thiệt hại của vụ án, luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng, bản kết luận giám định hiện nay còn gây nhiều tranh cãi, vụ án được đẩy tiến độ điều tra, truy tố xét xử quá nhanh đến nỗi nguyên đơn dân sự vẫn chưa xác định được thiệt hại của mình, khiến VKS phải căn cứ vào biên bản giám định thiệt hại.
Nhận định rằng phương pháp giám định thiệt hại này đang gây nhiều tranh cãi giữa luật sư với các giám định viên, luật sư Quang đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung và xác định lại thiệt hại của vụ án.
Trước đó, cả 2 bị cáo Lê Đình Mậu và Ninh Văn Quỳnh bị VKSND xác định phạm tội "Cố ý làm trái…", đề nghị tòa tuyên phạt ông Quỳnh 10 - 11 năm tù; ông Mậu từ 7 - 8 năm tù.
Hà Trang (tổng hợp)