Với người nông dân nghèo, thu nhập một tháng chừng 5-7 triệu đồng là không hề nhỏ, giúp họ nuôi được cả gia đình. Chính vì thế, sau vụ tai nạn nói trên, nhiều người lao động ở Formosa vô cùng đau đầu giữa việc tiếp tục đi làm trong điều kiện lao động hà khắc, sự thờ ơ đến khó tin của đơn vị sử dụng lao động và một bên là nồi cơm của cả gia đình.
Hợp đồng viết một đằng, thực thi một nẻo?
Anh Nguyễn Văn D., trú tại xã Lâm Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình cùng một số công nhân khác khi vào làm việc tại Formosa, công ty Nibelc đưa cho các công nhân hai bản hợp đồng. Sau khi điền đầy đủ thông tin cá nhân và ký tên, các công nhân phải nộp cả hai bản hợp đồng lại cho Nibelc thay vì giữ lại một bản cho bản thân. Làm việc được khoảng vài tháng, công ty Nibelc lại thông báo cho công nhân lên làm lại hợp đồng, vì hợp đồng cũ không có hiệu lực. “Ngày công ty gọi chúng tôi đến ký hợp đồng, có rất nhiều công nhân tập trung tại văn phòng. Mỗi công nhân chỉ kịp đọc lướt qua, thậm chí không kịp đọc rồi vội vàng kí để người sau không phải chờ đợi”, anh D. cho biết.
Hiện trường vụ sập giàn giáo ngày 25/3. |
Anh Nguyễn Văn H., cùng quê với anh D. cho biết: “Tôi làm được 2 năm thì hết thời hạn lao động. Lúc đó, công ty gọi tôi ký hợp đồng thứ ba, nhưng tôi không biết nội dung bên trong là gì, thời hạn làm việc từ ngày nào đến ngày nào, chỉ có ghi họ tên, nơi ở, số chứng minh nhân dân”.
Khi chúng tôi hỏi, tại sao các anh không xin công ty giữ lại cho mình một bản hợp đồng, các công nhân đều trả lời giống với ý của anh D.: “Chúng tôi đều là người nghèo khó, đi làm công ăn lương. Ai nói ra cũng sợ bị đuổi việc, nên thôi, cúi đầu mà làm việc”. Chính vì như vậy, rất nhiều công nhân không có hợp đồng lao động. Chỉ có duy nhất trường hợp của anh Nguyễn Văn D. và anh Nguyễn Văn H. có giữ lại một hợp đồng: “Ngày họ bảo tôi gửi lại hai hợp đồng, tôi nói ghi sai rồi giữ lại cho mình một bản”, anh D. cho biết.
Theo bản hợp đồng hiếm hoi mà một số công nhân giữ lại được thì tại điều 3, của Hợp đồng lao động giữa công ty Nibelc với công nhân, có quy định quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động về tiền đóng bảo hiểm bắt buộc như sau: “Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc (bao gồm Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp) là 30,5% tính theo mức lương chính, trong đó, 21% do Người sử dụng lao động đóng và 9,5% do Người lao động đóng”.
Nội dung hợp đồng là như vậy nhưng trong số công nhân mà chúng tôi tìm hiểu, không có công nhân nào được nhận sổ Bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế của công ty Nibelc. “Năm thứ nhất đi làm, 3, 4 tháng đầu, tôi thấy công ty có trừ tiền bảo hiểm. Một thời gian sau, công ty không trừ tiền nữa. Mấy tháng sau, công ty lại thông báo, những công nhân nào đóng bảo hiểm thì lên đăng ký. Bọn tôi hỏi lại ba tháng trước chúng tôi đã đóng tiền rồi thì tính sao, họ không giải thích nhiều và nói rằng công nhân chỉ cần đăng ký lại thôi, thế nên tôi không đăng ký nữa”, anh D. cho biết.
Công nhân khi mới được tuyển dụng vào làm việc qua công ty Nibelc đều phải đóng khoản tiền 5 triệu đồng đối với hợp đồng lao động có thời hạn hai năm, 2 triệu đồng với hợp đồng lao động có thời hạn 6 tháng. Nhiều công nhân không biết khoản tiền đóng góp này là gì, chỉ biết, đó là “tiền cọc”. Anh H. cho biết: “Khi mới vào làm việc, họ thu của tôi 5 triệu đồng và đưa cho tôi một biên lai thu tiền. Sau đó khoảng nửa năm, họ lại yêu cầu tôi nộp lại biên lai. Với số tiền 5 triệu đồng đó, có những công nhân làm vài tháng mà nghỉ thì nhận lại được khoảng 3 triệu đồng, công nhân làm khoảng một năm mà nghỉ thì nhận lại khoảng 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng có người không nhận lại được đồng nào”.
Anh Nguyễn Văn D. (xã Lâm Trạch, Bố Trạch) kể về quá trình làm việc ở Formosa. |
Anh D. cho biết thêm: “Khi ký hợp đồng thứ ba, họ “hợp thức hóa” khoản tiền trên bằng nội dung “hỗ trợ 5 triệu tiền ăn ở cho công ty”.
Một tháng, thu nhập trung bình của công nhân tại Formosa dao động trong khoảng từ 4 triệu đến 10 triệu đồng, tùy theo khối lượng công việc và thời tiết. Số tiền đó, với những người dân nghèo là rất lớn. Vì thế, sau vụ sập giàn giáo kinh hoàng vừa qua, ngoại trừ anh D., anh H. và một số người khác sẽ không đi làm nữa, còn lại vẫn xác định, sẽ tiếp tục trở lại Vũng Áng để mưu sinh, dù biết với chế độ làm việc như thế thì nguy cơ bỏ mạng là không hề nhỏ.
Đem con bỏ chợ?
Để làm rõ hơn các vấn đề mà người lao động phản ánh, chúng tôi đã tìm gặp đại diện Nibelc và nhiều cơ quan chức năng ở địa phương. Thế nhưng, thay vì tìm hiểu về phản ánh của công nhân, những gì chúng tôi nhận được đều là sự né tránh, với thái độ thờ ơ đến khó tin. Ông Đinh Viết Quyền, Chánh Văn phòng sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau vụ việc sập giàn giáo xảy ra, sở đang phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết vụ việc. Ông Quyền cho biết, sở đang làm việc tích cực với tinh thần cao nhất.
Dù vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, khi vụ việc đã xảy ra được gần ba tuần nhưng Sở này vẫn chưa có bất cứ động thái nào cụ thể để bảo về quyền lợi của người lao động. Trước câu hỏi, đơn vị quản lý có liên đới khi người lao động phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, kém an toàn như vậy, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc sở này cho biết, đang bận giải quyết vụ việc sập giàn giáo, chưa thể nói gì vào lúc này.
Vị Chánh Văn phòng của sở này cũng đã nhiều lần “đùn đẩy”, gây khó dễ với PV. Khi PV đến tìm hiểu thông tin, ông chỉ sang đoàn thanh tra của sở ở Vũng Áng. Biết đây là đoàn cơ động nên PV có xin thông tin, số điện thoại để gặp gỡ nhưng không được đại diện của Sở cung cấp. Tuy vậy, PV vẫn tiếp tục bắt xe đi hơn 70km vào Vũng Áng nhưng không thể tìm được đơn vị cung cấp thông tin.
Trong buổi làm việc với PV, ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc sở Xây dựng cũng trả lời một cách thờ ơ: Sở chúng tôi đã cử người tham gia đoàn điều tra của tỉnh, do sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì. Vụ việc thế nào, phải chờ thôi. Thời điểm này, sở cũng không thể nói trước được gì.
Dư luận đang đặt sự nghi ngờ về việc có một bộ phận nào đó chi phối, khiến cho ngành chức năng ở Hà Tĩnh rất hạn chế, thậm chí nói không với việc cung cấp thông tin liên quan đến tiến trình điều tra vụ tai nạn, dù vụ việc xảy ra tại địa phương, liên quan đến rất nhiều quyền lợi của người dân. Mới đây, cuộc họp giữa Samsung T&T với UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngoài các báo địa phương được chỉ định, tất cả các báo còn lại đều không được tác nghiệp khiến cho nhiều người thực sự bức xúc.
Trao đổi qua điện thoại, ông Phan Phương Nguyên - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Nibelc) cho biết, đang tích cực làm việc với đoàn thanh tra để giải quyết vụ việc. Khi nói về những tố cáo của lao động đối với đơn vị cung ứng lao động, ông Nguyên không phản hồi.
Tìm hiểu thêm về quá trình đầu tư xây dựng công trình cảng Sơn Dương, chúng tôi tìm đến sở Kế hoạch và Đầu tư. Rất ngạc nhiên, ông Võ Minh Tâm, Chánh Văn phòng Sở cho biết: Công trình này bộ Xây dựng làm việc với BQL Khu Kinh tế Vũng Áng, Sở chỉ nắm qua tinh thần, nên không có gì để thông tin. Trong đoàn điều tra về vụ sập giàn giáo, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng không cử người của sở này tham gia, dù chỉ với tư cách thành viên.
Theo báo Đời sống và Pháp luật