Tin mới

Vụ sổ đỏ ghi tên các thành viên gia đình: Bộ TN-MT xin "rút kinh nghiệm"

Thứ hai, 27/11/2017, 16:28 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thị Phương Hoa thừa nhận, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là Thông tư 33, có lỗi diễn đạt gây khó hiểu cho người dân.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thị Phương Hoa thừa nhận, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là Thông tư 33, có lỗi diễn đạt gây khó hiểu cho người dân.

Theo tin tức từ Dân Trí, Thanh Niên, Tri thức trực tuyến, sáng  27/11, tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2017, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định ghi tên thành viên gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp chặt chẽ về mặt pháp lý.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa thừa nhận Bộ Tài nguyên - Môi trường. Ảnh Thanh Niên 

Bên cạnh đó, điều này không đặt thêm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.Theo Thứ trưởng Hoa, việc ghi tên hộ gia đình trên sổ đỏ như trước đây, trong quá trình thực hiện các quyền của người sử dụng đất đã bộc lộ tồn tại, hạn chế. Đơn cử như việc quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể, do đó gặp khó khăn trong việc được pháp luật bảo hộ khi có rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự.

Khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất sẽ phát sinh mâu thuẫn về tranh chấp quyền của từng thành viên. Các tổ chức tín dụng đã nhận thế chấp quyền sử dụng đất của chủ hộ gia đình, tuy nhiên một trong số các thành viên có quyền sử dụng đất lại có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình.Bà Hoa cũng khẳng định việc ban hành quy định như Thông tư 33 là phù hợp với quy định của bộ luật Dân sự, luật Đất đai và khắc phục những bất cập, khó khăn trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường), cũng giải thích rõ hơn về Thông tư 33/2017. 

“Bản chất của quy định này chỉ hướng dẫn kỹ thuật về cách ghi tên, không điều chỉnh gì về nội dung. Tài sản tạo lập của vợ và chồng mà người con không cùng đóng góp thì chỉ ghi thông tin tài sản của vợ và chồng thôi. Vừa qua có một số luồng dư luận nghĩ rằng sẽ ghi toàn bộ thành viên trong sổ hộ khẩu lên giấy chứng nhận, nhưng tôi khẳng định, thành viên trong sổ hộ khẩu không có quyền sử dụng đất thì không được ghi tên”, dẫn nguồn tin từ Dân Trí, ông Phấn khẳng định.

Ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Dân Trí

Theo ông Phấn, đối với sổ đỏ hộ gia đình (không phải sổ đỏ của các cặp vợ chồng hoặc đứng tên cá nhân như hiện nay-PV) thì có 2 cách thể hiện: Các thành viên cử người đại diện đứng tên, hoặc tất cả các thành viên có quyền sử dụng đất cùng đứng tên trên sổ đỏ hộ gia đình.

Ông Phấn nhấn mạnh: "Đối với giấy chứng nhận đã cấp trước đây cho các hộ gia đình vẫn có giá trị pháp lý. Những hộ gia đình có nhu cầu điều chỉnh thông tin, cập nhật thêm tên các thành viên có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ thì sẽ được cơ quan nhà nước có trách nhiệm cập nhật thông tin vào giấy chứng nhận. Tôi khẳng định việc này không đẻ ra thêm thủ tục, trình tự”.

Có mặt tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho rằng Thông tư 33 hoàn toàn không thay đổi tính chất pháp lý của cơ quan quản lý và chủ sở hữu đất.

"Bản chất vấn đề chỉ là hướng dẫn những người tổ chức, thực hiện trong công tác chuyên môn", dẫn nguồn tin từ  Tri thức trực tuyến,ông Nghĩa cho hay.

Kết luận cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thừa nhận, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là Thông tư 33, có lỗi diễn đạt gây khó hiểu cho người dân.

"Quy định ghi tên sổ đỏ trong Thông tư 33 mang tính sửa kỹ thuật trong ngành. Trong ngành đọc thì hiểu rất nhanh, nhưng người dân thì khó hiểu. Bộ Tài nguyên - Môi trường cần rút kinh nghiệm về việc này”, bà Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, vấn đề sổ đỏ liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân nên dư luận rất quan tâm.

"Chúng tôi hiểu rất nhanh vì bản thân làm chuyên môn. Nhưng đúng ra, làm sao chúng ta ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tất cả người dân cùng dễ hiểu. Bộ Tài nguyên - Môi trường xin tiếp thu ý kiến về lối diễn đạt trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”, dẫn nguồn từ Thanh Niên,Thứ trưởng Hoa nói.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news