Tin mới

Vụ trao nhầm con ở Bình Phước: Có thể khởi kiện nếu không trao trả con

Thứ sáu, 15/07/2016, 17:13 (GMT+7)

Trong vụ việc Bệnh viện đa khoa Thị xã Bình Long trao nhầm con cho hai gia đình cách đây 3 năm hiện vẫn chưa thống nhất giữa các bên khiến hai cháu bé vẫn chưa thể trao trả, luật sư cho biết, "Nếu không tự nguyện trao trả thì có thể khởi kiện theo quy định tại khoản 10, Điều 29 BLTTHS năm 2015".  

Trong vụ việc Bệnh viện đa khoa Thị xã Bình Long trao nhầm con cho hai gia đình cách đây 3 năm hiện vẫn chưa thống nhất giữa các bên khiến hai cháu bé vẫn chưa thể trao trả, luật sư cho biết, "Nếu không tự nguyện trao trả thì có thể khởi kiện theo quy định tại khoản 10, Điều 29 BLTTHS năm 2015".

Vụ việc Bệnh viện đa khoa Thị xã Bình Long (Bình Phước) trao nhầm con của chị Nguyễn Thị Thu Trang (26 tuổi, ngụ P. Phú Thịnh, TX. Bình Long) và chị Thị Liên (24 tuổi, ở xã Phước An, huyện Hớn Quản) đến nay đã hơn 2 tháng được xác minh vẫn chưa thực hiện trao đổi con đẻ vì gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, gia đình anh Huỳnh Văn Tuấn và chị Thị Liên chưa đồng ý trao con vì vướng mắc một số vấn đề tâm tư tình cảm, đồng thời chưa đồng ý giải quyết với bệnh viện. Về phía gia đình anh Vũ Đình Khiên và chị Nguyễn Thu Trang lại mong muốn đón con về sớm để tiện chăm sóc vì bé đang được chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp độ II.

Vợ chồng anh Khiên và chị Trang. Ảnh nguồn Khám phá

Như tin đã đưa, gia đình anh  Nguyễn Đình Khiên và chị Nguyễn Thị Thu Trang vào đầu tháng 5/2016 phát hiện con gái 3 tuổi của mình không chung huyết thống với mình mà bị nhầm lẫn với gia đình anh Huỳnh Văn Tuấn và chị Thị Liên. Cách đó 3 năm vào sáng ngày 10/1/2013 chị Trang và chị Liên cùng chung một phòng đẻ ở Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long. 

Muốn hòa giải nhưng bị từ chối, gia đình anh Khiên và chị Trang phản ánh lên bệnh viện để điều tra làm rõ. Phía Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long đã đưa hai bé đi xét nghiệm ADN và xác nhận là có sự nhầm lẫn vì sơ suất của y tá trong lúc đưa hai bé đi tắm đã gây nên sự việc.

Phía Bệnh viện đa khoa TX.Bình Long thừa nhận sai sót về chuyên môn trong quá trình giao bé và xin lỗi gia đình hai bé. Đồng thời bồi thường về tinh thần 10 tháng lương tối thiểu. Bệnh viện sẽ nhận trách nhiệm đưa hai cháu bé bị trao nhầm đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Nhi Đồng II (TP HCM). Chị Liên đang mang thai tháng thứ 7 sẽ được bệnh viện khám thai, tư vấn và hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh con tại bệnh viện. Mọi chi phí xét nghiệm ADN do bệnh viện chi trả.

Để tìm hiểu những vướng mắc trong pháp lý ở vụ việc này chúng tối có trao đổi với ông Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư Hà Nội.

- Xin luật sư cho biết các gia đình có quyền giữ con của người khác khi đã có đầy đủ giấy tờ chứng minh có sự nhầm lẫn hay không?

Luật sư Đặng Văn Cường: Quan hệ giữa những người trong câu chuyện trên là quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình. Việc nhầm lẫn con là sự cố ngoài ý muốn của các bên liên quan. Vì vậy, khi phát hiện nhầm lẫn thì những người là cha mẹ đẻ của cháu bé có quyền yêu cầu người đang giữ đứa trẻ trao trả lại đứa trẻ là con của mình. Nếu người không phải là cha mẹ đẻ của trẻ em lại cố tình chiếm giữ con của người khác như vậy thì cha mẹ đẻ của trẻ em đó có quyền khởi kiện để tranh chấp "xác định con cho cha mẹ" theo quy định tại khoản 10, Điều 29 BLTTDS năm 2015. Về mặt pháp lý thì trong giấy khai sinh của cháu bé, chị Liên đang là mẹ đẻ của cháu bé, vì vậy cần phải có bản án có hiệu lực của tòa án thì anh Kiên, chị Trang mới được xác định là cha mẹ của đứa trẻ đó và mới có căn cứ để cấp lại giấy khai sinh cho cháu bé để xác định lại về mặt pháp lý.

- Hai gia đình cần làm những thủ tục gì để trao trả hai bé? Trong trường hợp gia đình anh Tuấn và chị Liên không đồng ý trao trả cho gia đình anh Khiên và chị Trang thì sẽ xử lý ra sao?

+ Nếu hai bên tự nguyện trao trả thì tới UBDN xã để làm lại thủ tục đăng ký khai sinh. 

+ Nếu không tự nguyện trao trả thì có thể khởi kiện theo quy định tại khoản 10, Điều 29 BLTTHS năm 2015.

Điều 29, BLTTDS năm 2015 quy định:

"Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

3. Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

4. Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.

5. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

6. Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

7. Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án.

8. Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

9. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

11. Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật."

- Phía bệnh viện phải chịu trách nhiệm gì? Bồi thường thế nào cho hai gia đình để thỏa đáng nhưng tổn thất về mặt vật chất và tinh thần mà họ trải qua do sự nhầm lẫn suốt 3 năm qua?

Luật sư Đặng Văn Cường: Theo thông tin nêu trên thì lỗi nhầm lẫn thuộc về bệnh viện vì vậy, gia đình hai bên có quyền yêu cầu bệnh viện phải bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần. Theo quy định tại Điều 611 BLDS năm 2005 thì việc bồi thường quy định như sau:

"Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.".

- Hiện cháu bé là con đẻ chị Trang và anh Khiên đang ở nhà anh Tuấn và chị Liên đang bị chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp độ 2 thì xử lý ra sao?

Luật sư Đặng Văn Cường: Việc suy dinh dưỡng là ngoài ý muốn của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Vì vậy, không phải là căn cứ để xác định trách nhiệm với gia đình chị Liên. Nội dung này có thể xác định là thiệt hại, tổn thất mà gia đình chị Trang phải gánh chịu và yêu cầu mức bồi thường thiệt hại về tinh thần với bệnh viện.

Xin cám ơn luật sư!

Dã Quỳ (ghi)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news