Liên quan đến vụ việc xây nhà hát 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, mặc dù HĐND TP đã thông qua dự án nhưng trong quá trình triển khai, chính quyền TP phải lắng nghe góp ý của người dân, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này để xây dựng công trình bền vững.
Tối 10/10, trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề trên, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết HĐND TP vừa rồi thông qua dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch (HBSO).
Theo bà Tâm, dự án Nhà hát HBSO vừa rồi được thông qua thuộc dự án nhóm A mà Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép HĐND TP quyết định. Ngoài những kỳ họp thường kỳ thì hằng năm HĐND TP có hai kỳ họp bất thường diễn ra vào tháng 3 và kỳ họp vừa rồi. Tại kỳ họp này, HĐND TP giao UBND TP trình những vấn đề có liên quan đến thẩm quyền của Nghị quyết 54.
Bà Tâm khẳng định những kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến nay UBND TP vẫn thực hiện và không làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư ở khu đô thị này. Còn dự án nhà hát đã có trong quy hoạch của Thủ Thiêm từ trước và kinh phí xây dựng nhà hát được để dành từ lâu rồi. Số tiền này được lấy từ đấu giá ở địa chỉ 23 Lê Duẩn (Q.1). Trước đây khi đưa miếng đất này ra đấu giá, Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ trước đã chỉ định số tiền đó chỉ xây dựng nhà hát giao hưởng chứ không được làm việc gì khác.
Khu vực dự kiến xây Nhà hát HBSO. Ảnh TNO |
“Người dân cũng điện hỏi tôi làm nhà hát cho ai, cho người giàu hay người nghèo và câu trả lời của tôi là giàu hay nghèo đều có thể thưởng thức được. Nhà hát sẽ có tiền sảnh lớn phục vụ miễn phí nhiều chương trình nghệ thuật đại chúng. Nhưng nhà hát sẽ có những chương trình hàn lâm dành cho những người có đủ trình độ hiểu, nghe về nghệ thuật sẽ mua vé vào xem. Những điều này trong dự án nói rất rõ”, Thanh Niên dẫn lời bà Tâm.
Bà Tâm cho biết thêm, dù HĐND TP đã thông qua dự án nhưng trong quá trình triển khai, chính quyền TP phải lắng nghe góp ý của người dân, nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này để xây dựng công trình bền vững. Về phía HĐND TP từ đây về sau sẽ giám sát chặt dự án.
Cũng liên quan đến vấn đề xây nhà hát, trao đổi với Tri Thức trực tuyến trước đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch hơn 1.500 tỷ đồng đã có từ 20 năm trước, trải qua 3 nhiệm kỳ Chủ tịch UBND thành phố.
Tuy nhiên, trước đây, vị trí đặt nhà hát chưa chọn được, cũng chưa có nguồn tài chính để xây dựng. Tới tháng 8/2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu mới ký quyết định chọn khu vực Thủ Thiêm (quận 2) và tỏ rõ quyết tâm có một công trình tầm vóc thế kỷ.
Ông Khuê cho biết thêm sau khi HĐND thông qua việc xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đặt tại Thủ Thiêm, các cơ quan liên quan sẽ xúc tiến việc thành lập hội đồng, tổ chức cuộc thi kiến trúc, chọn hội đồng chấm xét, đối chiếu quy hoạch...
"Với những ý kiến trái chiều của cử tri, lãnh đạo thành phố sẵn sàng lắng nghe, cầu thị, suy xét, tính toán sao cho hợp lý. Thành phố tôn trọng ý kiến của các cử tri, thậm chí với những ý kiến nhiều chiều", ông Khuê chia sẻ.
Tại kỳ họp HĐND TP HCM khoá IX khai mạc kỳ họp thứ 10, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, dự án với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1), triển khai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao, tin tức từ Vnexpress cho hay.
Phó chủ tịch thành phố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này, bởi TP HCM là đô thị văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và nhiều giá trị khác nên rất cần một công trình văn hóa xứng tầm.
Ngoài ra, theo ông Liêm, dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố trong bối cảnh hội nhập; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giá trị mang nét đặc trung.
Hà Trang (tổng hợp)